Công bố 7 luật đã được Quốc hội thông qua
7 luật đã được Quốc hội thông qua gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú năm 2020; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp báo.
Tại cuộc họp báo, sau khi nghe đồng chí Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật, đại diện các bộ lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản của các luật. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Bộ Công an giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Cư trú năm 2020. Luật có 7 chương, 38 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
So với Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 có một số nội dung mới nổi bật như sau: Luật quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu Luật Cư trú tại họp báo. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi cư trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú. Luật cũng đã bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Do sử dụng phương thức quản lý hiện đại nên thời hạn giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thời gian và thủ tục.
Bên cạnh đó, Luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú, thời gian tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần…
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí về tiến độ thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, tiến độ thực hiện 2 dự án trên đảm bảo. Bộ Công an đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dân liên quan đến các dự án trên theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân và các cơ quan hữu quan.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tăng mức xử phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều.
Luật quy định, người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên. Độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay...