Công an miền Trung cùng nhân dân gồng mình chống bão

Thứ Năm, 14/09/2017, 15:29
Ngay từ sáng sớm ngày 14-9, chính quyền địa phương và người dân các tỉnh Bắc miền Trung đã tập trung phòng chống bão số 10. Ở các làng chài ven biển, chúng tôi bắt gặp lực lượng Công an cùng bà con ngư dân đang chung sức để kéo tàu, thuyền lên bờ cách xa mép nước biển để phòng sóng lên cuốn tàu thuyền ra xa.

Hầu hết lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế., Quảng Trị đều chủ động dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng chống bão. Lãnh đạo các tỉnh đã cắt cử nhau về các địa phương động viên, hỗ trợ nhân dân với tinh thần “không chủ quan” khi bão đã cận kề.

Một trong những vấn đề rất đáng lo ngại đang đặt ra cho lãnh đạo và nhân dân các tỉnh miền Trung là hiện hầu như 100% các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn mực nước đã vượt mức chỉ tiêu thiết kế. Mực nước các sông như sông Cả, sông La, sông Ngàn sâu, sông Giang có thể lên rất nhanh do dự báo có mưa lớn trên diện rộng.

Vì vậy, lãnh đạo các tỉnh đang chỉ đạo sát sao các ban quản lý hồ đập tiến hành xả nước, và có các phương án cụ thể để báo động cho nhân dân trên địa bàn biết khi có nguy cơ sự cố xảy ra.

Người dân chằng chéo nhà cửa phòng chống bão số 10.

Từ 7 giờ sáng ngày 14-9, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cấm biển, các ngành, các địa  phương tập trung các giải pháp để kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Được biết, Nghệ An có 4.016 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trên biển và có 887 lao động đang ở trên biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Công an địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan trong chiều 14-9 kêu gọi tất cả tàu thuyền và ngư dân vào tránh, trú bão an toàn, kiên quyết cấm mọi tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.

Do ảnh hưởng của bão, sóng biển to nên vào lúc 6 giờ ngày ngày 13-9, tàu NA 3229 TS do ông Hồ Văn Thái, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng cùng 6 ngư dân khác khi đang chạy vào bờ tránh trú bão không may đã gặp nạn. Dây tời của tàu bị đứt va đập vào đầu anh Nguyễn Văn Phước là ngư dân trên tàu làm anh Phước tử vong.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng Nghệ An đã kịp thời ứng cứu đưa tàu cá và ngư dân vào bờ.

Nhằm tránh mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương… đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa chạy bão. Hiện bà con nông dân ở Nghệ An đã thu hoạch được 9.474/36.228 ha lúa mùa, đạt 26,15%....

Nhiều nơi người dân dùng bao cát để chèn mái tôn, mái ngói đề phòng bão vào gây thiệt hại.

Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm, nơi giam giữ do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ; đảm bảo an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động triển khai phương án bảo vệ và thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại 5 địa bàn trọng điểm.

Công an tỉnh cũng huy động gần 400 CBCS tăng cường cho công an các huyện  Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò sẵn sàng ứng cứu di dời người và tài sản khi có sự cố xảy ra và triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm lợi dụng mưa, bão để hoạt động trộm cắp. Các đơn vị như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cảnh sát đường thủy, Phòng Hậu cần – Kỹ thuật, Bệnh viện Công an tỉnh chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ như dây, áo phao, ca nô, thuốc men sẵn sàng chờ lệnh lên đường.

Riêng lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng quân đội kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền vào khu tránh bão neo đậu an toàn. Công an các huyện, thành thị chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt; tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm khi bão đổ bộ và mưa lớn sau bão.

Công an giúp đỡ các nhà hàng ven biển nép dọn, chằng chéo nhà cửa và sơ tán tránh bão an toàn.
Cán bộ chiến sĩ Công an Quảng Bình giúp dân thu dọn đồ dùng sinh hoạt để chuẩn bị sơ tán tránh bão.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài đã ký công điện khẩn gửi đến các cơ quan, sở ngành, địa phương trong tỉnh cấp bách phòng chống bão số 10. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo lực lượng về các địa phương giúp dân phòng chống bão.

Theo đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh cắt cử từng đồng chí phụ trách cụ thể từng địa bàn. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Bình tỏa về các xã ven biển giúp dân kéo tàu thuyền lên bờ, chằng chéo nhà cửa, sơ tán dân cạnh bờ biển đến nơi an toàn.

Từ sáng sớm, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã nhận lệnh của chỉ huy đơn vị về các làng ven biển giúp dân phòng chống bão số 10.

Để phòng chống bão số 10, tỉnh Quảng Bình có 20.290 hộ/76.069 người cần di dời khỏi vùng nguy hiểm, trong đó huyện Lệ Thủy cần di dời 1.622 hộ/5.453 người; huyện Quảng Ninh cần di dời 3.193 hộ/12.184 người; huyện Bố Trạch 5.644 hộ/ 20.270 người phải di dời tránh trú bão…

Lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an Quảng Bình nhận lệnh về các vùng xung yếu để giúp dân phòng chống bão.

Chiều 14-9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, tính đến trưa cùng ngày, đã có khoảng 2.000 tàu thuyền của ngư dân hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển và đầm phá thuộc địa bàn tỉnh được kêu gọi vào các điểm neo đậu, tránh trú an toàn.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế giúp ngư dân gia cố, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão số 10.

Hiện mực nước tại các hồ chứa, thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đang ở mức thấp và an toàn, không có công trình nào đang triển khai thi công. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường kiểm tra để đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.

Ngư dân xã Phú Hải, huyện Phú Vang tổ chức neo đậu tàu thuyền vào sáng 14-9.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã có phương án sơ tán khoảng hơn 26.900 hộ dân/106.104 nhân khẩu tại các địa bàn sung yếu trong trường hợp xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Trong một diễn biến khác, vào sáng cùng ngày, có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh Thừa Thiên- Huế và ở các tỉnh thành khác đã vào cảng cá Thừa Thiên- Huế (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) để bán hải sản và sau đó về các điểm neo đậu an toàn.

Công tác gia cố, neo đậu tàu thuyền được ngư dân Thừa Thiên - Huế tiến hành khẩn trương để tránh bão số 10.
Tại âu thuyền xã Phú Hải, có khoảng 300 tàu thuyền của ngư dân địa phương đã được neo đậu chắc chắn. Để tránh sóng va đập khi có gió và bão lớn, các ngư dân đã dùng dây kết các thuyền lại sát nhau và gia cố chắc chắn, an toàn.

Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, để ứng phó với bão số 10, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tích cực chỉ đạo Công an các huyện, thị xã thuộc vùng xung yếu, ven biển như Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tổ chức trực ban 24/24; thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng di dời dân ở vùng bị ảnh hưởng đến nơi tránh trú an toàn.

Lực lượng Công an xã Phú Thuận kiểm tra một điểm neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến chiều 14-9, địa phương đã thông báo cho 2.248 tàu thuyền với 6.811 lao động vào bờ và neo đậu an toàn; còn 64 tàu thuyền với 689 lao động hoạt động ở vùng biển phía Nam, các lực lượng khẩn trương thông báo, hướng dẫn để di chuyển vào vùng an toàn toàn.

Các huyện ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; rà soát lại toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ, hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu đảm bảo tránh va đập, chìm và không để người dân ở lại trên tàu thuyền. Đối với vùng nuôi trồng thủy hải sản dứt khoát không để cho dân ở lại trông giữ tài sản.

Chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 10.

Trước đó, ngày 13-9 ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đã triển khai kiểm tra các hồ đập và sẵn sàng các phướng án ứng phó khi trời mưa to, hồ đập tích nhiều nước.

Lực lượng Công an, Quân đội cũng đã tiến hành công tác hướng dẫn, giúp đỡ người dân chằng chống lại nhà cửa, đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng ở những vùng trọng điểm về ngập nước, sạt lỡ, lũ ống và lũ quét. Triển khai công tác ứng trực, đảm bảo đầy đủ phương tiện, nhân lực để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra cũng như làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Ngư dân Cửa Việt, Quảng Trị neo đậu tàu thuyền vào bờ an toàn.

Lực lượng Công an các tỉnh khác cũng đang kiểm tra, rà soát hoàn thiện các phương tiện phòng chống bão, lũ, đặc biệt ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, vùng thường xuyên ngập sâu, hạ lưu các hồ chứa; hoàn chỉnh và sẵn sàng phối hợp với các ngành liên quan triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình đang thi công, hệ thống điện, thông tin liên lạc và các công trình phòng chống lụt, bão khác để chủ động đối phó khi bão số 10 đổ bộ.

Trên các đoạn đường thấp, hầm, cầu, phà… lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an các tỉnh còn thành lập các tổ, nhóm chốt chặn để hướng dẫn đi lại an toàn cho nhân dân, và cấm đường khi mưa bão xảy ra; cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực khi bão đổ bộ vào đất liền (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão).

Công an huyện ven biển ở Thanh Hóa chủ động xuống cơ sở

Để chủ động ứng phó với bão số 10, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 03 của UBND tỉnh, ngày 14-9, Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị công an trong tỉnh tập trung cao độ triển khai các phương án phòng chống bão, chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, phương tiện, hồ sơ tài liệu của đơn vị, đảm bảo ANTT trên địa bàn, an toàn nơi giam giữ, không để can phạm, phạm nhân trốn khỏi nhà tạm giam, tạm giữ; phòng ngừa tội phạm lợi dụng mưa bão để trộm cắp, phá hoại tài sản..vv..

Theo đó, các lực lượng công an trong tỉnh, nhất là công an các huyện ven biển đã chủ động tăng cường lực lượng xuống cơ sở phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, giúp dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, phương tiện, thu hoạch hoa màu; triển khai các biện pháp cấm biển…

Riêng phòng Cảnh sát đường Thủy, đã thành lập 4 tổ công tác với 14 đồng chí xuống các khu vực cửa sông, cửa lạch kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, đến 5 giờ chiều ngày 14-9, các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn. 

Tại huyện Hậu Lộc, Công an huyện đã tăng cường hàng chục CBCS xuống phối hợp với lực lượng công an xã và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, di tản dân vào nơi an toàn, giúp dân chằng chống nhà cửa… 

Công an huyện Đông Sơn đã tăng cường 20 CBCS xuống giúp dân thu hoạch diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch mà chưa kịp gặt với phương trâm “Xanh nhà, hơn già đồng”.


Dương Sông Lam-Minh Tâm- Anh Khoa-Thanh Bình-Đình Hợp
.
.
.