Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016)

Công an Hà Nội - những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp

Thứ Năm, 15/12/2016, 08:21
Thực hiện quyết định lịch sử của Trung ương và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, 20h ngày 19-12-1946, đèn điện phụt tắt, hiệu lệnh chiến đấu bắt đầu. Hơn 400 chiến sĩ Công an Hà Nội cùng quân dân Thủ đô tiến công các mục tiêu và ổ tác chiến của Pháp nằm xen ở các khu dân cư; các tổ trinh sát tỏa đi truy bắt bọn Việt gian phản động.

Địch tập trung lực lượng tấn công Công an quận Hàng Trống, bị lực lượng Công an xung phong chống trả quyết liệt, diệt 18 tên giặc Pháp, đốt cháy 2 xe bọc thép, thu 4 súng tiểu liên, giữ vững vị trí suốt đêm 19-12.

Trung đội Cảnh sát và Công an xung phong quận Hàng Đậu cùng bộ đội và lực lượng tự vệ chiến đấu chặn đứng cánh quân của Pháp từ Cửa Bắc định tiến lên chiếm lấy đầu cầu Long Biên, diệt 70 tên địch, phá hủy 2 xe tăng, buộc chúng phải rút lại vào Thành.              

Đầu tháng 1-1947, địch được lực lượng tăng cường từ Hải Phòng lên, quyết tâm đánh chiếm Liên khu 1, giao thông liên lạc giữa Liên khu 1 với bên ngoài bị cắt đứt. Đồng chí Nguyễn Tài (Phó Giám đốc Công an khu 11, sau này là Trưởng Ty Công an Hà Nội) đã chỉ đạo 2 trinh sát từ Tứ Liên (nay thuộc quận Tây Hồ) bám theo ven sông Hồng chui qua gầm cầu Long Biên vào bắt liên lạc được với Ban chỉ huy Liên khu 1.

Qua con đường này, ngày 10-1-1947, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó Bí thư Xứ ủy Bắc Bộ dẫn đầu một phái đoàn đại diện Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy, Đảng ủy Mặt trận và Ủy ban Kháng chiến hành chính khu 11 vào úy lạo chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô.

Đêm 17-2-1947, toàn bộ Trung đoàn Thủ đô cũng theo đường giao thông này rút an toàn ra vùng tự do tiếp tục kháng chiến.

Chỉ 2 ngày sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu 1, Đội giao liên Bát Sắt của Công an quận 6 do anh Nguyễn Xuân Sinh phụ trách đã mở đường giao liên từ phía Nam, xâm nhập nội thành.

Đặc biệt Đội Bát Sắt có một giao liên lịch sử là chú Sâm Lé 12 tuổi, tháng 5-1947 đã mang thư của Hồ Chủ tịch vào nội thành đưa tận tay tướng Alexandri để chuyển cho Cao ủy Bollaert. Đội còn nhiều lần chuyển thư của một số lãnh đạo Chính phủ ta (Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng…) gửi một số trí thức bị kẹt lại trong thành phố.

Tháng 8-1947, Công an quận 6 đã đưa gia đình các ông Phạm Khắc Hòe (Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ), Đặng Phúc Thông (Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính) và hai anh em Giáo sư Dương Trọng Bái, Dương Đại Hồng ra vùng tự do tham gia kháng chiến.

Do đường giao liên giữa nội thành ra căn cứ thông suốt, cán bộ điệp báo xâm nhập nội thành đã xây dựng được một số cơ sở nội tuyến nên ta biết trước được nội dung bài diễn văn của Cao ủy Bollaert sẽ đọc tại thị xã Hà Đông tháng 9-1947 (không điều đình, không đình chiến, đòi ta đầu hàng), âm mưu đón Bảo Đại từ Hồng Kông về để chuẩn bị lập ngụy quyền và tập trung lực lượng tinh nhuệ để thực hiện kế hoạch “Léa” đánh lên căn cứ Việt Bắc thu đông 1947.

Khi giặc Pháp mở chiến dịch tiến công Việt Bắc, ngày 10-10-1947, 2 đồng chí cán bộ Công an quận 6 (Đặng Đình Kỳ tức Quốc, Trần Văn Tích tức Bình) đã dùng lựu đạn diệt tên Trương Đình Tri (Chủ tịch Hội đồng an dân Hà Nội) gây ảnh hưởng vang dội trên cả nước.

Cũng dịp này Công an quận 4 diệt tên Tô Chân Nho, tay sai đắc lực của Phòng Nhì ngay tại trước cửa nhà y ở 90 phố Quán Thánh.

Trong tháng 11 và 12-1947, Công an quận 4, quận 5, quận 6 phối hợp với dân quân du kích tiến hành tổng phá tề lần đầu tiên, bắt hơn 100 tên, thu 40 súng, diệt một số tên tề ác ôn làm cho hàng ngũ tề ở ngoại thành hoang mang, dao động.

Sau chiến dịch Việt Bắc thất bại, địch đã thành lập được 3 phòng tuyến bao quanh Hà Nội với 32 đồn bốt, có hơn 3.000 quân chính quy, thường xuyên càn quét, ngày tuần tra, đêm phục kích trên các ngả đường giao thông, chụp bắt giao liên và cán bộ xâm nhập nội ngoại thành.

Đúng vào sinh nhật Bác Hồ (19-5-1948) tổ 3 người (Khâm, Quang, Sĩ Vân) của Công an quận 6 đã treo cờ đỏ sao vàng lên Tháp Rùa – hồ Hoàn Kiếm gây ảnh hưởng kháng chiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Từ tháng 5 đến tháng 8-1948, ta đã tiến hành 20 đợt phá tề ở 3 quận ngoại thành, diệt, bắt 300 tên ngụy quyền và đưa cán bộ các ngành về hoạt động trong lòng địch.

Đầu năm 1950, Chi cục Tình báo Hà Nội (bí danh Tiểu đoàn 610A), một bộ phận của Ty Điệp báo Trung ương sáp nhập vào Ty Công an Hà Nội trở thành Công an Đặc khu Hà Nội trực thuộc Nha Công an Trung ương chỉ đạo.

Được tăng cường lực lượng, Công an Hà Nội đẩy mạnh hoạt động điệp báo và phản gián. Đặc biệt phán đoán đúng ý đồ chiến lược của địch, ta đã phái 1 tổ điệp báo (A13) vào trong hàng ngũ địch với vai trò những người đại diện “Lực lượng quốc gia” trong vùng kháng chiến nên được Bảo Đại phong làm Quốc vụ khanh, tiếp xúc với Bảo Đại và tất cả bọn đầu sỏ đảng phái phản động các loại, gây mâu thuẫn trong nội bộ bọn tay sai, phá âm mưu tập hợp lực lượng của địch.

Sau hơn 1 năm hoạt động trong lòng địch, Tổ A13 đã kết thúc nhiệm vụ bằng trận đánh phối hợp giữa Công an Hà Nội với Công an Thanh Hóa đánh đắm Thông báo hạm Amyot dInville có hơn 100 sĩ quan và lính Pháp vào sáng ngày 27-9-1950, bắt sống 3 tên cốt cán của Đại Việt, Việt Quốc tay sai Phòng Nhì là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Nho.

Thất bại ở biên giới, Pháp phải rút khỏi Cao Bằng, Lạng Sơn. Để bảo vệ Hà Nội, địch tập trung lực lượng càn quét ngoại thành, thúc đẩy bọn công an cảnh sát ngụy hoạt động, sử dụng bọn đầu hàng phản bội truy theo dấu vết anh em ta nên trong năm 1950-1951 địch đã bắt được anh Phan Khắc Trình, Phó ban Điệp báo tra tấn đến chết; anh Vũ Tá Ngọc, Phó quận trưởng nội thành bị địch bắn gẫy chân, bắt sống; anh Lê Nghĩa, Phó quận trưởng nội thành bị địch bắn thủng ruột bắt giam ở nhà thương Phủ Doãn (sau ta cứu được); anh Trần Thế Tông (tức Đặng), Phó ban Phản gián bị địch bắn chết; hàng chục cán bộ cốt cán bị địch bắt giam ở Hỏa Lò, Thanh Liệt hoặc đưa đi Côn Đảo.

Thực hiện nghị quyết của Thành ủy tháng 4-1951, đồng chí Nguyễn Tài, Thành ủy viên, Giám đốc Công an Hà Nội được cử vào trong nội thành hoạt động liên tục từ 1951 đến 1952 đã chấn chỉnh lại phương thức hoạt động của Công an và kiểm tra các đoàn thể, chỉ đạo uốn nắn hoạt động theo phương châm “tích trữ lực lượng, tạo đón thời cơ”… nhờ đó, phong trào dần hồi phục, cơ sở điệp báo phát triển có chất lượng, đúng mục tiêu đối tượng, công tác phản gián đã điều tra và bắt giữ hơn 10 vụ nội gián như vụ Hải Cao, Trung Sơn, cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội.

Bước vào năm 1954, nhân lúc địch thất bại liên tiếp ở Điện Biên Phủ, ta tranh thủ thời cơ, phát triển được mạng lưới cơ sở mật có chất lượng, thu thập được nhiều tin tức có giá trị như mâu thuẫn giữa Mỹ - Pháp, mâu thuẫn giữa các đảng phái phản động, kế hoạch phòng thủ của địch ở Hải Phòng – Hòn Gai, tin tức về các kho tàng, sân bay của địch.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày là mục tiêu số 1 mà kẻ địch nhằm vào để thực hiện âm mưu phá hoại. Để phục vụ tiếp quản, Công an Hà Nội phải chạy đua với thời gian, “vét” hầu hết những cán bộ lâu nay vẫn công tác ở vùng du kích, căn cứ, thậm chí, cả 1 số đồng chí mới rút ở nội thành ra chưa được bao lâu do bị lộ nay cũng huy động vào nội thành làm nhiệm vụ.

Nhờ đó, đã phát hiện gián điệp Mỹ tuyển mộ tay sai trong các đảng phái phản động đưa ra các đảo ở Thái Bình Dương, mở 2 lớp huấn luyện, giúp Hoàng Cơ Bình, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt củng cố tổ chức, cùng với bọn Đại Việt Quốc Dân Đảng thành lập “Trung đoàn Thủ Đô”, tuyển “Ngự lâm quân”, thành lập các đội phá hoại ngầm.

Công an Hà Nội đã kịp thời cung cấp cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phái đoàn Pháp ở Hội nghị Phủ Lỗ về danh sách toàn bộ tù binh, tù chính trị ở các trại giam Hỏa Lò, Nhà Tiền, Thanh Liệt, Gia Lâm,… âm mưu hoạt động tháo gỡ máy móc chuyển vào Nam, âm mưu dùng bọn phản động phá hoại khi ta về tiếp quản.

Ngoài ra, Công an Hà Nội còn vận động được 650 cảnh binh ngụy ra ngoài vùng tự do huấn luyện để trở về giữ trật tự giao thông khi ta vào tiếp quản.

Ngày 9-10-1954, Công an Hà Nội được Bộ tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã tiếp quản, chiếm lĩnh các mục tiêu chỉ định và triển khai phương án giữ gìn ANTT Thủ đô mới giải phóng. Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, 20 vạn nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề đẹp đẽ như ngày hội, tay cầm cờ hoa đứng chật hai bên đường vẫy chào đón mừng chính quyền và quân đội Cách mạng. 

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND
.
.
.