Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về nợ công

Thứ Năm, 23/11/2017, 11:12
Sáng 23-11, với 85,74% ý kiến tán thành, Quốc hội thông qua Luật Quản lí nợ công (sửa đổi). Luật Quản lí nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 63 điều quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.


Nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về nợ công

Theo đó, Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Quản lí nợ công (sửa đổi)

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mục đích vay của Chính phủ nhằm bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên. Bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách trung ương và bảo đảm thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ. Chi trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ. Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Việc trả nợ của Chính phủ được quy định như sau: Chính phủ có trách nhiệm bố trí ngân sách trung ương để trả nợ của Chính phủ. Mức vay mới để trả nợ gốc nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định. 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để trả nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đầy đủ, đúng hạn. Bộ Tài chính và cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm thu hồi toàn bộ nợ gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan của các chương trình, dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nộp vào Quỹ Tích lũy trả nợ để bảo đảm nguồn trả nợ nước ngoài.

Luật còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ giám sát, quản lí nợ công đối với từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời cấm vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.  Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công. 

Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay.  Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công.

Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lí nợ công. Trong đó, quy định rõ quyền của từng cơ quan từ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...đến tổ chức, cá nhân tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn

Hằng năm hoặc theo yêu cầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thông tin về nợ công

Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lí nợ công

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp.

Đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật, theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. 

Dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”; Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

UBTVQH nhận thấy, quy định trong Dự thảo luật là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, đồng thời giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Nội dung tiếp thu thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 5 Điều 8 Dự thảo luật.

Phương Thuỷ
.
.
.