Cơ quan điều tra chỉ đề nghị, sao lại phải bồi thường?

Thứ Tư, 31/05/2017, 16:41
“Căn cứ Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự cũ và Điều 232, 233 thì kết luận của cơ quan điều tra (CQĐT) chỉ là đề nghị, mà đã là đề nghị thì Viện Kiểm sát (VKS) có thể chấp nhận hoặc không được chấp nhận. Vậy tại sao lại bắt người đề nghị phải bồi thường?" - ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu nêu quan điểm, đề nghị bỏ khoản 3 Điều 34 dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), sáng 31-5.


Phiên thảo luận về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sáng 31-5 sôi nổi và làm “nóng” nghị trường bởi các ý kiến phát biểu và tranh luận về cơ quan tố tụng chịu trách nhiệm bồi thường khi có oan sai.

Khoản 3 Điều 34 dự thảo luật quy định, Cơ quan điều tra (CQĐT) hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp Viện kiểm sát (VKS) trả hồ sơ để điều tra bổ sung, CQĐT ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu nhưng VKS ra quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Bộ Công an là trách nhiệm bồi thường thuộc về VKS, chứ không phải của CQĐT như dự thảo luật. 

Ông lý giải, giai đoạn này VKS đã tham gia thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra như phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra (CQĐT), kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam… Sau khi CQĐT hoàn tất hồ sơ chuyển sang VKS thì VKS thực hiện quyền công tố, xem xét và trả lại hồ sơ điều tra bổ sung. CQĐT thực hiện nhiệm vụ điều tra bổ sung và có kết luận điều tra bổ sung xong thì lại chuyển hồ sơ cho VKS và VKS lúc này ra quyết định đình chỉ vụ án.

“Điều này đã được quy định trong luật hiện hành và quá trình thực hiện trong thời gian qua báo cáo của Chính phủ cũng như trong thực tiễn không có gì vướng mắc lớn và cần phải sửa” – đại biểu nói. Theo ông, nếu quy định như Khoản 3, Điều 34 cũng có thể dẫn tới việc trả hồ sơ rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và có thể dẫn tới kéo dài thời gian bồi thường làm ảnh hưởng đến việc giải quyết bồi thường, đề nghị lấy lại quy định của luật hiện hành phù hợp hơn.

ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) lại cho rằng, trong trường hợp tòa án (TA) sơ thẩm đã tuyên có tội, tòa phúc thẩm hủy để điều tra lại, sau đó CQĐT điều tra lại nhưng VKS không phê chuẩn và yêu cầu điều tra bổ sung; nhưng sau nhiều lần điều tra bổ sung mà VKS vẫn không đồng ý và đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì sẽ áp dụng Khoản 3, Điều 34 hay Khoản 5, Điều 36. Trường hợp theo Khoản 3, Điều 34 nghĩa là CQĐT phải bồi thường.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

Tranh luận vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu quan điểm, Khoản 3 Điều 34 là khoản thừa vì trùng với khoản 1, 2 của Điều 35 về trách nhiệm của VKS. “Căn cứ Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự cũ và Điều 232, 233 thì kết luận của CQĐT chỉ là đề nghị, mà đã là đề nghị thì VKS có thể chấp nhận hoặc không được chấp nhận. Vậy tại sao lại bắt người đề nghị (CQĐT) phải bồi thường? Do đó Khoản 3 Điều 34 là không cần thiết” – ông nói.

Đồng tình cao với nguyên tắc chung là cơ quan quyết định gây ra oan sai sau cùng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng VKS không phải là cơ quan bồi thường cho cả 3 cơ quan (CSĐT, VKS, TA), và việc xác định điểm rơi cơ quan nào gây ra oan sai sau cùng dễ chứ không khó.

“Chỉ cần chia ra hai nhóm quan hệ là xác định được ngay. Thứ nhất là nhóm quan hệ giữa VKS và TA, đây là nhóm quan hệ trung tâm giữa bên buộc tội và bên kết tội. Ai ra quyết định buộc tội sai thì người đó phải đền bù, ai ra quyết định kết tội sai thì người đó phải đền bù. Theo đó, tại Khoản 3,4,5,7 của Điều 35 thì VKS đền bù là đúng; tại Điều 36 thì TA đền bù là đúng. Mối quan hệ thứ 2 là giữa VKS và CQĐT. Người ra quyết định sau cùng là người ra quyết định có hiệu lực pháp lý cao nhất. Ví dụ, CQĐT đề nghị VKS phê chuẩn thì VKS phải đền bù. VKS yêu cầu CQĐT áp dụng biện pháp nào mà sau này oan sai thì VKS cũng phải đền bù” – đại biểu phân tích.

Giải trình thêm trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường phải theo một nguyên tắc là cơ quan kê oan sai sau cùng.

“Vấn đề này chúng tôi thảo luận nhiều lần, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã triệu tập các cơ quan tố tụng mấy lần để thảo luận. Tôi thấy cơ bản đã thống nhất được, tuy nhiên có điểm rơi mà chúng ta thảo luận nhiều liên quan đến Khoản 3, Điều 34 chưa có sự thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng, cụ thể là CQĐT và VKS” – Bộ trưởng nói.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục cố gắng thiết kế Luật có sự tham gia của các cơ quan để đạt sự đồng thuận, còn nếu không vẫn phải theo nguyên tắc. 

Quỳnh Vinh
.
.
.