Có nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh?
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, chương Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh gồm 04 tội danh, thì 03 tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình, gồm: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341); tội chống loài người (Điều 342); tội phạm chiến tranh (Điều 343). Đối với tội tuyển mộ lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê (Điều 344) quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), cả 03 tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 429); tội chống loài người (Điều 430); tội phạm chiến tranh (Điều 431) đều quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Chúng tôi không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 03 tội danh đã nêu, bởi các lý do, sau đây:
Thứ nhất, các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh đều xâm hại đến sự tồn tại, hòa bình và an ninh của nhân loại; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ nhà nước của một hoặc nhiều quốc gia; tính mạng, sức khỏe của cộng đồng dân cư của một hoặc một số quốc gia trong một khu vực nhất định. Do vậy, đối với loại tội phạm này cần có chế tài nghiêm khắc nhất.
Thứ hai, mặc dù thời gian qua ở nước ta chưa xảy ra loại tội phạm này, nhưng trong tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, đe dọa an ninh quốc gia của nhiều nước, cho nên không loại trừ khả năng loại tội phạm này xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ ba, trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có một số tội danh mà khách thể bị xâm hại tương tự như khách thể của các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh, nhưng mức hình phạt cao nhất được quy định là tử hình, như tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), tội giết người (Điều 123), tội khủng bố (Điều 309)... Việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh là không nhất quán về chính sách hình sự trong xử lý tội phạm.
Thứ tư, việc giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là xu hướng phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta cũng như xu hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự về hình phạt tử hình cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội và diễn biến tình hình tội phạm ở nước ta, không đơn giản chỉ là việc giảm cơ học số lượng các tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Thứ năm, các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước về quyền trẻ em năm 1989... cũng chỉ giới hạn, khuyến cáo một số trường hợp không được áp dụng hình phạt tử hình, như: Người phạm tội dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai. Do vậy, việc tiếp tục quy định hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh không những không trái với các Công ước nêu trên, mà còn thể hiện trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.