"Có luật ban hành chưa được một năm đã phải sửa"

Thứ Năm, 21/11/2019, 11:25
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tuổi đời của luật hiện rất thấp, trong giai đoạn 2005-2018, tuổi đời trong bình của luật là dưới 10 năm, có luật dưới ba năm, có luật thậm chí chưa được một năm đã sửa.

Sáng 21-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội khoá XIV thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội đưa ra hai phương án, trong đó phương án một là sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; phương án hai cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Phát biểu với tư cách tham gia chỉnh lý luật từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, thành viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn An Giang, ủng hộ phương án thứ hai, mà thực chất là phương án được quy định trong luật hiện hành.

"Nếu Quốc hội chọn phương án một thì Quốc hội đã bị mất quyền kiểm soát xây dựng luật, không còn nhân danh Quốc hội nữa", ông Bộ nói và phân tích, bản chất của việc tiếp thu, chỉnh lý luật chính là nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đạ biểu Quốc hội và thể hiện nó trên dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua. 

Trong trường hợp không tiếp thu ý kiến đại biểu thì cơ quan thẩm tra của Quốc hội có trách nhiệm nêu rõ trong bản giải trình. Tuy vậy, theo ôngBộ, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy "80% các bộ ngành không muốn tiếp thu" ý kiến đại biểu. Về lý do, đại biểu đoàn An Giang cho rằng bất cập thứ nhất là do con người, thứ hai là do một số uỷ ban chưa kiên quyết trả lại luật chưa đảm bảo chất lượng.

"Đại biểu Quốc hội phát hiện nhiều luật chất lượng không bảo đảm nhưng khi chúng tôi đề nghị dường như không nhận được sự ủng hộ", ông Bộ nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: quochoi.vn

Đồng tình với quan điểm của ông Bộ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng thuộc đoàn An Giang đề nghị tiếp tục thực hiện quy định hiện nay là giao cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Bà cho rằng nếu giao cơ quan soạn thảo vừa đề xuất dự án luật, vừa chỉnh lý, hoàn thiện, lại vừa tổ chức thực hiện thì có thể xuất hiện tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng "đại biểu cứ phát biểu ở tổ, ở hội trường, đại biểu cứ tranh luận" còn khi tiếp thu lại không được đầy đủ, không ăn nhập với ý kiến đại biểu.

Trên cơ sở đó, bà Tâm đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì công tác tiếp thu, chỉnh lý luật, còn cơ quan chủ trì việc thẩm tra cùng cơ quan soạn thảo cần thực hiện chỉ đạo, phân vai như cho hợp lý. "Dù thế nào thì tôi cho rằng cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tới cùng để tiếp thu, chỉnh lý luật", bà Tâm nói và khẳng định không thể để tình trạng cơ quan soạn thảo phó mặc việc điều chỉnh luật cho Quốc hội.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết điểm chung của cả hai phương án là đều do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo và cuối cùng vẫn do Quốc hội quyết định. Hai phương án chỉ khác nhau về cách phân định trách nhiệm của cơ quan điều chỉnh, chỉnh lý luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có thực tế là có dự án luật trình nhưng không được Quốc hội thông qua hoặc cơ quan trình rút dự thảo hoặc được thông qua nhưng với tỉ lệ quá bán rất thấp. 

Ông Long cũng chỉ ra thực trạng tuổi đời của luật hiện rất thấp, trong giai đoạn 2005-2018, tuổi đời trong bình của luật là dưới 10 năm, có luật dưới 3 năm, có luật thậm chí chưa được một năm đã sửa. 

Thu Thuỷ - Thiện Nhân
.
.
.