Cần thiết chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước

Thứ Năm, 31/05/2018, 17:01
Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các quy định của Luật, phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, xử lí tài sản không rõ nguồn gốc, công khai tài sản của người trong diện phải kê khai...

Cần thiết chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước

Về việc này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước là việc rất cấp thiết, nếu không sẽ tạo kẽ hở trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. 

Đại biểu dẫn chứng việc hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố nước mắm nhiễm Asen trái thẩm quyền; sai về bản chất của sự việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề sản xuất nước mắm thủ công và xã hội nói chung.

Việc Hiệp hội chống hàng giả trao giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam cho thuốc chống ung thư Thuốc ung thư giả từ bột than tre Vinaca nên doanh nghiệp này lấy đó làm cơ sở để lừa người bệnh. Vấn đề đặt ra là vì sao các hội, hiệp hội này là như vậy, ai đứng đằng sau tài trợ?. Rõ ràng là có lợi ích, tiêu cực. 

“Cách đây 1 tuần, tôi đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Nội vụ - cơ quan có chức năng quản lí nhà nước về Hội, hiệp hội đề nghị thanh tra toàn diện. Hiện, Bộ Nội vụ đang ráo riết để thành lập đoàn thanh tra, xử lí nghiêm theo quy định. Rõ ràng, khu vực ngoài nhà nước như hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ có thể xảy ra tham nhũng không phải nhỏ nên cần có quy định cụ thể. 

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng mở rộng phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết nhưng mở rộng đến đâu để đảm bảo tính khả thi bởi có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước thì liệu có nên mở rộng đối tượng?

Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cũng đồng tình quan điểm phải phòng chống tham nhũng ở khuc vực ngoài nhà nước; bởi việc bồi dưỡng, cảm ơn, chung chi trong các dự án BT, BOT...hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta không ngăn ngừa, chắc chắn sẽ xảy ra tham nhũng nghiêm trọng.

Cũng nhấn mạnh về phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng nên đổi tên thành Luật Phòng, trừ tham nhũng để thể hiện quyết tâm của Đảng, ý chí của dân. Nên coi tham nhũng là giặc nội xâm để có quyết tâm loại trừ.

Có nên cho phép cá cược thể thao?

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao sửa đổi. Các đại biểu tranh luận khá nhiều vấn đề, nổi bật là quỹ đất dành cho thể dục, thể thao, quy định môn bơi bắt buộc trong nhà trường, cá cược thể thao...

Ủng hộ bổ sung quy định đặt cược thể thao vào dự Luật, đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa –Vũng Tàu) cho biết, hoạt động đua ngựa, đua chó đã có ở Vũng Tàu và Bình Dương nhưng đang được quản lý theo Nghị định. "Việc luật hoá là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của một bộ phận người dân, đồng thời tăng cường sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước, hạn chế tác động xấu của loại hình kinh doanh này đối với xã hội và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước", Đại biểu Quân nói.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nói, "Nếu chúng ta không đưa vào luật thì cá cược vẫn diễn ra, dẫn tới thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội". Do vậy, Luật Thể dục Thể thao cần quy định mang tính nguyên tắc về lĩnh vực này, để Chính phủ quy định cụ thể.

Trước đó, đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Như vậy, nếu Quốc hội thông qua điều khoản trên, hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao sẽ được nâng từ nghị định lên Luật.

Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; 

Đồng thời bổ sung quy định trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập vào khoản 6, 7 Điều 11 dự thảo Luật, sau khi tiến hành rà soát các quy định pháp luật có liên quan. 

Theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học). Việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn. 

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi, nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.

Về đất đai dành cho thể dục, thể thao, một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không nên bổ sung quy định này vì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là nơi tập trung cho sản xuất nên quỹ đất chủ yếu được ưu tiên bố trí phục vụ mục đích sản xuất. 

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 65 Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã có quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc công trình thể thao vừa phải được bố trí ở khu dân cư (nơi sinh sống), vừa phải được bố trí ở nơi làm việc. 

Việc bố trí công trình thể thao ở cả hai nơi sẽ gây lãng phí và khó khả thi, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc bố trí quỹ đất, xây dựng, vận hành, quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình này.     

Theo chương trình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sẽ được Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua vào ngày 14-6.

          Thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các quy định của Luật, phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, xử lí tài sản không rõ nguồn gốc, công khai tài sản của người trong diện phải kê khai...

Về thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) nhấn mạnh, qua tổng kết thực tiễn cho thấy kết quả thu hồi tài sản tham nhũng là nhức nhối khi chỉ đạt khoảng 8% và nếu không làm tốt vấn đề này thì công cuộc phòng chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả. Tuy vậy, về phương án xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc thì đại biểu  bày tỏ băn khoăn vì việc đánh thuế là không theo hướng “suy đoán vô tội” trong khi chưa chứng minh được nguồn gốc của tài sản và đẩy trách nhiệm chứng minh cho đối tượng kê khai. “Có tài sản do tế nhị người ta không công khai được. Thu hồi được tài sản là điều phấn khởi nhưng không thể thu hồi bằng mọi giá” – Đại biểu Thuận Hữu nêu quan điểm.

Cũng lo lắng về việc thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì không giải quyết được vấn đề. “Anh kê khai không trung thực thì phải chịu xử lý. Cứ nói quyền con người, quyền công dân chung chung thì chẳng làm được gì. Việc kê khai có thể quy định chặt chẽ ở luật, không phải công chức rồi thì anh làm cái gì cũng khó xử lý. Tài sản không nói ra được thì anh phải chấp nhận chứ sao?” – đại biểu Xuyền nêu quan điểm vì tài sản tăng thêm có căn cứ hay không, chiếm hữu tài sản có căn cứ hay không thì Bộ luật Dân sự đều đã đề cập.



P. Thuỷ
.
.
.