Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các nhà khoa học

Thứ Sáu, 02/07/2021, 08:24
Chiều 1/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý uy tín của đất nước để lắng nghe những ý kiến góp ý vào việc xây dựng Đề án quan trọng này.


Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; trình Trung ương cho ý kiến. 

Trên cơ sở đó, chiều 1/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý uy tín của đất nước để lắng nghe những ý kiến góp ý vào việc xây dựng Đề án quan trọng này. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

12 chuyên gia, nhà khoa học tham dự buổi làm việc lần này gồm các giáo sư, tiến sỹ - những tên tuổi hàng đầu trong giới nghiên cứu pháp luật đến từ các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học pháp lý uy tín của Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011) đã đề cập đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Luận điểm quan trọng này đã được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI và Hiến pháp 2013: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức quản lý bằng pháp luật. 

Chủ tịch nước cho rằng, sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh, tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta đã có những bước phát triển mới.

Tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nước ta trong kỳ đổi mới đến nay đã làm cho đất nước phát triển tốt hơn, ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện; cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên mọi mặt. Đặc biệt, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố.

Chủ tịch nước khẳng định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Theo đó, có các nhiệm vụ: Xây dựng Nhà nước kiến tạo; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hoan nghênh, đánh giá cao ý kiến của các nhà khoa học tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho rằng, các ý kiến góp ý lần này là “tinh hoa” của giới luật học Việt Nam, nếu được tháo gỡ, triển khai tốt sẽ có thể tạo ra bước đột phá trong xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch nước cho biết, Đề án dự kiến sẽ được thông qua trong chương trình của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Về các nội dung góp ý, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Đề án.

Các nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận phải mới, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực; làm rõ hơn 1 số nội hàm và có thể bổ sung thêm 1 số chuyên đề mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Các chuyên đề khi xây dựng cần tiếp thu thành tựu nghiên cứu, mô hình Nhà nước pháp quyền trên thế giới với bước đi chắc chắn, phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam.

Quang Vũ
.
.
.