Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Thứ Sáu, 30/04/2021, 07:21
Sáng 29/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.

Cùng dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau hơn 7 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước mở rộng quy mô đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm. 

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…

Việc thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” cũng có những bước phát triển mới cả về quy mô đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra mới chỉ ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.

Ban Chỉ đạo cũng tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, nhất là trong bối cảnh các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay, cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật. Tuy nhiên, đề án chưa có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những bất cập đang nổi lên trong đào tạo cử nhân luật thời gian qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Ảnh:TTXVN.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các Đề án: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận xét, việc thực hiện 2 đề án trên còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện 2 đề án này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng Đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với 2 đề án nêu trên.

Riêng đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng lại theo định hướng mà các thành viên của Ban Chỉ đạo đã góp ý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương chung là Đảng, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, quá trình thực hiện cần chú ý đến việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo này phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát và các trường để phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động thực tế của các chức danh tư pháp và pháp luật trong đời sống thực tiễn.

*Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiều 29/4, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm và tặng quà một số gia đình chính sách tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng đi có lãnh đạo UBND TP Hà Nội và đại diện chính quyền địa phương.

Chủ tịch nước đã thăm gia đình Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên, Thương binh hạng 3/4, ở tổ dân phố số 8, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên nhập ngũ ngày 5/1972, bị thương ngày 30/4/1975 tại ngã tư Bảy Hiền – TP Hồ Chí Minh trong khi lái xe tăng tiến vào Dinh Độc lập do bị sức ép xe cháy, đạn nổ. Trước khi nghỉ hưu, ông là Thiếu tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp.

Tiếp đó, Chủ tịch nước thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Tú - mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Thái Lai, địa chỉ số 578 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Liệt sỹ Nguyễn Thái Lai hy sinh ngày 26/4/1975, tại Mặt trận phía Nam.

Nói chuyện thân mật với hai gia đình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ, biết ơn và tri ân công lao của các Anh hùng, liệt sỹ, các thương, bệnh binh đã đóng góp xương máu của mình vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. 

Chủ tịch nước căn dặn lãnh đạo TP Hà Nội và chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công trên địa bàn để phần nào bù đắp những hy sinh, mất mát của các Anh hùng, liệt sỹ, thương, bệnh binh.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn hai gia đình luôn sống gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp và phát triển.

Quang Vũ
.
.
.