Chủ tịch UBND cấp huyện không có quyền huy động lực lượng dự bị động viên
- Đề xuất cơ chế thu hút cử nhân bách khoa, y tế, cơ khí… tham gia dự bị động viên
- Tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả
- Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng tinh gọn tổ chức, bộ máy
- Huy động lực lượng dự bị động viên cho phòng, chống thảm họa
Đây là dự án Luật đã được thẩm tra sơ bộ và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại Phiên họp lần thứ 33. Kết luận tại Phiên họp, UBTVQH đã đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật và giao UBQPAN thẩm tra chính thức dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Sẽ tăng ngân sách 545 tỷ đồng/năm
Tài liệu họp thẩm tra hôm nay, Cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên dự thảo theo Tờ trình 104 ngày 23-3-2019 và có Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình một số nội dung theo ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra sơ bộ.
Theo Báo cáo này, dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về yêu cầu tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính: Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, xây dựng dự án Luật trên tinh thần tuân thủ các nghị quyết, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nội dung trên, rà soát, bảo đảm không tăng biên chế, không phát sinh thủ tục hành chính mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp |
Về ngân sách, dự kiến dự án Luật tăng khoảng 545 tỷ đồng/năm so với thời điểm hiện tại (lương cơ sở 1.390.000 đồng), gồm: Phụ cấp cho quân nhân dự bị khi được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên khoảng 278 tỷ đồng; phụ cấp trách nhiệm cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên tăng khoảng 52 tỷ đồng; trợ cấp cho gia đình trong thời gian quân nhân dự bị tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên tăng khoảng 215 tỷ đồng.
Đây là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; đặc thù của quân nhân dự bị là “quân ở trong dân”, không thoát ly sản xuất, biên chế vào đơn vị dự bị động viên, xây dựng từ thời bình để sẵn sàng huy động bổ sung cho các đơn vị thường trực của Quân đội khi có lệnh.
Vì vậy, quy định chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tương xứng, phù hợp với các yếu tố đặc thù của lực lượng này và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngoài ra, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần, việc bổ sung chế độ, chính sách, nhất là điều chỉnh mức phụ cấp của lực lượng dự bị động viên theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ tiêu hao sẽ bù đắp sức khoẻ cho đối tượng thụ hưởng, bảo đảm thu nhập của lực lượng dự bị động viên, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng cho các đối tượng tham gia xây dựng lực lượng này và gia đình họ; giúp ổn định đời sống.
Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt |
Tại phiên họp, các đại biểu đã cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật lực lượng dự bị động viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định;
Khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phân biệt trưng mua, trưng dụng với huy động nhân lực thông thường
Về thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh (Điều 27), một số ý kiến cho rằng quy định “Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được huy động nhân lực không xếp trong các đơn vị dự bị động viên có tại địa phương để triển khai kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên” là chưa phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Bởi vì Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản không giao thẩm quyền trưng dụng tài sản cho Chủ tịch UBND cấp huyện.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên đối với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu công nghiệp có người lao động là quân nhân dự bị để bảo đảm việc chỉ huy, huy động, sử dụng lực lượng dự bị động viên tại chỗ được thuận lợi, kịp thời.
Toàn cảnh phiên họp |
Báo cáo thẩm tra của UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các ý kiến trên để quy định bảo đảm thống nhất với các luật liên quan và bảo đảm cho việc huy động lực lượng dự bị động viên hiệu quả, hiệu lực.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát lại các quy định về thẩm quyền huy động, quy trình huy động để chặt chẽ, khả thi và đúng với nguyên tắc của Hiến pháp, Luật Quốc phòng và các luật có liên quan; làm rõ thẩm quyền về việc trưng mua, trưng dụng theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng; cần phân biệt việc trưng mua, trưng dụng với việc huy động nhân lực thông thường, đánh giá rõ hậu quả pháp lý, chi phí ra sao?
Cùng với đó, cần làm rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng đối tượng thuộc lực lượng dự bị động viên để bảo đảm khả thi, thống nhất trong quá trình điều động, sử dụng, nhất là ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực UBQPAN khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chính thức để gửi các đại biểu Quốc hội, trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.