Chủ tịch Quốc hội: Nếu không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm

Thứ Hai, 10/02/2020, 12:18
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ khi đề cập đến việc tăng mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực.


Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng 10-2, Phiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực báo chí là 250 triệu đồng?

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 24 của Luật Xử lý VPHC), dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực  và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa là: giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Đề cương dự thảo Luật khi Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Báo cáo đánh giá tác động không có nội dung này.

“Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ dự án Luật chỉ nêu chung chung là “để bảo đảm tính răn đe, giáo dục”, “tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”…; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục; có lĩnh vực Cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này”, nhưng dự thảo Luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Từ đó, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất. Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua. Chẳng hạn vụ sàm sỡ, ép hôn cô gái trong thang máy xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, vụ tấn công tình dục xảy ra ở Đông Hà, Quảng Trị bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.

Nên phạt nặng hơn hành vi chống người thi hành công vụ

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm đồng tình với việc nâng mức xử phạt cao hơn để đảm bảo tính răn đe. “Trước đây khi bàn chúng ta cho rằng mức xử phạt phải cân nhắc mức thu nhập của người dân, tuy nhiên quan trọng là việc xử phạt phải đảm bảo răn đe, để người vi phạm biết tránh. Ví dụ Nghị định 100 đi vào rất thích ứng, mỗi khi “thần lưu ly” nâng ly lên nghĩ đến mức phạt 40 triệu, thu bằng 23 tháng thì đa số đều đặt xuống hết và không vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng đề nghị có những hành vi vi phạm là phổ biến thì cần quy định mức cao hơn. “Ví dụ chở người quá số người quy định, xe khách 40 người nhồi nhét 80 người, bây giờ cứ mỗi ông chở vượt phạt 1 triệu đồng, 40 ông nhân lên là 40 triệu. Làm được như thế thì khiếp ngay, việc chở nhồi nhét sẽ giảm”, Phó Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng. Đồng thời đề nghị có những hành vi phải phạt nặng hơn nữa, ví dụ hành vi chống đối người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

“Thường xảy ra vi phạm bị Cảnh sát giữ xe thì tài xế bỏ đi, sau đó chỉ bị phạt vài ba trăm nghìn không đảm bảo răn đe. Nhiều ông uống rượu say thấy Cảnh sát bỏ đi, rồi cãi vã đủ kiểu. Chúng ta phải làm nghiêm, những hành vi không chấp hành người thi hành công vụ phải xử lý nghiêm khắc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

“Đối với việc tăng mức xử phạt tối đa với các vi phạm hành chính, tôi đồng tình để răn đe, phòng ngừa các vi phạm. Tuy nhiên thực tiễn vừa qua đi đoàn giám sát về chính sách sử dụng đất đai thấy toát lên vấn đề, mặc dù các quy định pháp luật đầy đủ, các mức xử phạt răn đe nhưng khâu thực hiện quy định pháp luật còn hạn chế” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập.

Theo ông, nguyên nhân là nhiều tổ chức cá nhân không tự giác thực hiện quy định xử phạt, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, chưa làm hết quy định xử phạt. Ví dụ trong xử lý các công trình xây dựng sai phép thì các cơ quan chức năng ngoài phạt tiền còn được phép tháo dỡ.

Toàn cảnh phiên họp.

“Nếu cơ quan chức năng làm đúng thì các công trình như HH Linh Đàm, 8B Lê Trực... sẽ bị tháo dỡ. Do đó nếu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm thì các sai phạm sẽ không đến mức như trong thời gian vừa qua”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm. Ông cũng lưu ý cần có báo cáo đánh giá tác động về các lĩnh vực sẽ tăng và có cơ sở pháp lý về việc tăng mức xử phạt.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng  Phan Thanh Bình cũng đồng ý việc xử phạt đánh vào kinh tế, đồng thời nêu ra quan điểm nên đánh vào thu nhập từ vi phạm. “Chẳng hạn trong khai thác cát, số tiền xử lý không đáng bao nhiêu nhưng thu nhập từ vi phạm đó rất lớn. Có những cơ sở kinh doanh vi phạm từ vệ sinh môi trường, khi bị phạt họ sẵn sàng đóng, xong lại vi phạm tiếp vì thu nhập từ vi phạm đó cao hơn rất nhiều lần”, ông dẫn chứng.

Tăng mức phạt tiền phù hợp thực tiễn và mong muốn của xã hội

Cho ý kiến về tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với quan điểm của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển và đa số đại biểu, cho rằng chúng ta thường đứng trên quan điểm thu nhập của người dân để xử phạt, nhưng vừa rồi có những quy định được cả xã hội chấp nhận. “40 triệu thì tiền phạt cao hơn mua 1 chiếc xe mới. Nếu không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng có vi phạm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực vi phạm hành chính đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. “Từ vụ xảy ra trong thang máy phạt có 200 nghìn đồng, báo chí, xã hội người ta nói quá nhiều thì chúng ta phải sửa. Ngày trước chúng ta quy định như vậy thì phải phạt đúng theo luật, không thể phạt cao hơn luật. Giờ nâng là phù hợp với thực tiễn và mong muốn của xã hội để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ, 10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa và 6 lĩnh vực bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa có phải thực sự là cấp bách, là cần thiết, là vướng mắc, là bất cập cần tăng mức phạt tiền tối đa hay không, tại sao không phải là những lĩnh vực khác.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Luật Xử lý VPHC là công cụ để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, và việc xử lý VPHC liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó dự thảo luật này phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo 2 yêu cầu: vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý xã hội cho tốt song cũng vừa phải bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân.


Quỳnh Vinh
.
.
.