Chủ tịch Quốc hội: Dành nguồn lực để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ Năm, 13/09/2018, 12:14

 Sáng 13-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 27, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.


Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018 cho thấy: Thời gian qua, với sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra

Tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về công tác xây dựng pháp luật, ban hành nhiều nghị quyết có nội dung về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã kịp thời ban hành chương trình hành động triển khai các nghị quyết của Trung ương; Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành danh mục và phân công các cơ quan chủ trì chuẩn bị văn bản quy định chi tiết ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, cũng như ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật.

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 4 dự án (chiếm 5,3%); còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo Báo cáo của Chính phủ, qua kiểm tra 6.732 văn bản, Bộ Tư pháp phát hiện 3/74 thông tư là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có sai sót về hiệu lực và nội dung. Năm 2017, Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 5.848 văn bản thì phát hiện 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền…

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về hệ thống pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục. “Cho đến giờ này, cầm một luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào và sẽ bị sửa đổi luật nào. Không yên tâm về tính ổn định, và nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến chính sách, tâm lý, ảnh hưởng đến nhà đầu tư…”, bà Nga nói. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, thay đổi cũng đúng nhưng phải có tính ổn định tương đối.

“Tôi cảm giác tính phối hợp, vai trò “nhạc trưởng” của chúng ta không bảo đảm nên mỗi bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những vấn đề có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng lại không nhìn đến tổng thể chung” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.

Theo ông, có tình trạng, hệ thống pháp luật chúng ta khá đầy đủ, toàn diện nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt nên cứ vướng một cái là lại sửa. Mà nhiều khi vướng là do tổ chức thực hiện chứ không phải do sự không hợp lý, không hoàn thiện của luật đó. “Khâu yếu nhất hiện nay theo tôi là tổ chức thực hiện chưa tốt. Chỉ sửa những gì đã thực sự chín muồi, còn nếu chúng ta cứ chạy theo số lượng thế này thì không bảo đảm tính hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại quan tâm đến con số trên 5600 văn bản ban hành có dấu hiệu trái pháp luật; hơn 3800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý… mà báo cáo của Bộ Tư pháp nêu. “Cá nhân tôi thấy rất ấn tượng với con số này và đi tìm hiểu thì thấy rằng, vấn đề này không chỉ xuất hiện trong năm 2017 mà đã xuất hiện trong nhiều năm trước đây. Có 1 câu hỏi đặt ra, một văn bản sai sẽ ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức. Vậy việc đánh giá hậu quả tác hại do thi hành văn bản trái pháp luật và xử lý sai phạm như thế nào ?” – bà Hải phân tích.

Theo bà, một trong những nguyên nhân chỉ ra là do cán bộ làm văn bản, trên 50% chưa được đào tạo chuyên môn về ngành luật. Trong khi nếu đánh gia theo Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước thì chỉ cần 1 văn bản sai sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn người. “Tôi đề nghị việc xem xét, xử lý cán bộ tham mưu soạn thảo, thẩm định văn bản để xảy ra sai phạm cần quyết liệt hơn” – Trưởng Ban Dân nguyện nói.

Cũng đề cập tới đội ngũ cán bộ làm luật, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thị Thuý Hiền nhận thấy, chúng ta chưa tập trung đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cử nhân về xây dựng pháp luật, để phục vụ việc tạo nguồn cho các cơ quan có nhu cầu. “Cơ sở đào tạo luật, nghề luật chưa có sự chú trọng. Bên cạnh đó cần đầu tư kinh phí cho xây dựng pháp luật” – Phó Chánh án đề xuất.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt lại cho rằng, quy trình, thủ tục làm luật đúng nhưng chất lượng và phương pháp làm luật cần phải nâng lên. “Chúng ta cần lựa chọn cán bộ có tâm đức để làm luật, chứ thực tế có không ít cán bộ đong đưa trong việc này. Phải chống tư tưởng này, làm thế nào giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra không để xảy ra vấn đề nọ kia”, ông Việt nêu.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải dành thêm quỹ thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, hay một Luật ra rồi phải chờ các thông tư mới thực hiện được. “Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Luật quản lý ngoại thương có hiệu lực 1-1-2018 thì cần 5 nghị định mới thực hiện được. Tương tự, Luật Quản lý sử dụng tài sản công cần 14 nghị định, 3 quyết định; Luật Đường sắt cần 20 thông tư và 3 nghị định; Luật Chuyển giao công nghệ 2 nghị định, 8 thông tư…” – Chủ tịch Quốc hội viện dẫn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chúng ta chưa dành thời lượng và vị trí xứng đáng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. “Đề nghị kỳ này dành nguồn lực để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những vấn đề bức xúc trong xã hội mà nhân dân và cử tri quan tâm. Bởi trên mạng xã hội đang xuyên tạc sai sự thật, thậm chí sai hoàn toàn về các dự án luật mà chúng ta đang thảo luận…”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.


An Quỳnh
.
.
.