Chủ động để đối phó nghịch lý

Chủ Nhật, 12/12/2004, 08:05

Chúng ta đang đứng trước ngưỡng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, những vụ kiện bán phá giá tôm, cá ba sa chỉ là sự "khởi động" để kiểm tra ý chí và sự nhạy bén của doanh nghiệp. Để lượng sức mình và có bước đi thích hợp, rõ ràng chúng ta phải tính bài xa hơn…

"Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam bị kiện đều không hề bán phá giá, và dù họ có chủ định cũng không thể bán phá giá vì họ hoạt động hoàn toàn độc lập và theo cơ chế thị trường" - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh (trả lời TTXVN ngày 7/12) sau sự kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra quyết định cuối cùng về kết quả điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam…

Qua sự kiện này, vấn đề không chỉ riêng con tôm nữa, cũng như cá tra, cá ba sa một năm trước đây. Phải chăng chúng ta đang ở thế bị động? Sẽ rất lúng túng trong việc tìm biện pháp giải quyết nếu tình thế không được cải thiện. Sau cá ba sa, cá tra, tôm, sẽ đến lượt con gì phải ra hầu kiện?

Thứ trưởng Trần Đức Minh còn khẳng định, mặc dù mức thuế theo quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ thấp hơn mức thuế khi đưa ra quyết định sơ bộ, nhưng đây vẫn là quyết định chưa công bằng vì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ, không gây thiệt hại và đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ.

Từ sự kiện này, chúng ta nhớ lại, hơn một năm trước, sự kiện cá ba sa, cá tra của Việt Nam trên đất Mỹ đã làm đau đầu các nhà kinh doanh. Năm nay, đến lượt con tôm đứng ra "chịu đòn". Người ta dễ nhận thấy: Cứ mặt hàng thủy sản (một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam) nào thâm nhập vào thị trường Mỹ và khẳng định được vị trí của mình thì sớm muộn mặt hàng đó cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của các nhà sản xuất, kinh doanh tại Mỹ. Một phán quyết có lợi cho họ trở thành lẽ đương nhiên, dù rằng xem xét trên các khía cạnh, con tôm hay cá tra, cá ba sa không đáng phải chịu "đòn". Nghịch lý của những phán quyết đầy tính thiên vị thường được đưa ra, và cuối cùng phần thua thuộc về những người lẽ ra phải đúng, phải thắng!

Nghịch lý này không mới, nếu không muốn nói là chuyện của những nhà sản xuất, kinh doanh mạnh, có vị thế. Cái gì có lợi cho họ thì họ có thể làm và bằng nhiều cách để "hất cẳng" những mặt hàng nước ngoài xâm nhập thị trường Mỹ muốn khẳng định vị thế. Cuộc chơi rõ ràng không bình đẳng, nhưng nếu chỉ dựa vào cơ sở lập luận để bảo vệ quan điểm của mình là đúng hay sai, thì đó chưa phải là biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Sẽ rất lúng túng, bị động và nếu thực tiễn này tiếp diễn, không chỉ có tôm, cá, mà sẽ nhiều mặt hàng nông, thuỷ sản khác trở thành mục tiêu của các vụ kiện. Kết cục của những vụ kiện đó, những thiệt thòi, bất công tiếp tục tái diễn. Doanh nghiệp yếu, mới vào cuộc sẽ khó có tiếng nói trọng lượng để bảo vệ quan điểm có căn cứ của mình trên thương trường thế giới vốn đầy tính cạnh tranh.

Để chủ động phòng ngự, không bị rơi vào hoàn cảnh sự việc xảy ra rồi mới tính đến kế sách, chúng ta phải tính bài rộng và xa hơn. Kế sách đó là gì?

Ba yếu tố cốt lõi để đưa ra phán quyết đối với các vụ chống bán phá giá, đó là: Tình trạng bán phá giá còn hiện hữu hay không; tình trạng này có khả năng tiếp tục tái diễn hay không; mức độ thiệt hại đối với thị trường sản xuất trong nước như thế nào? Nếu xem xét ba yếu tố trên, các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam sẽ dễ dàng nhận ra những mặt hàng nhập khẩu nào từ nước ngoài đang bị bán phá giá, gây thiệt hại cho thị trường sản xuất trong nước. Con tôm Việt Nam sang Mỹ thì bị "dính đòn" dù đáng lý ra nó không phải chịu như vậy, còn ngay trong nước, nhiều mặt hàng nước ngoài lại tràn vào phá giá thị trường, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng việc khởi kiện và đưa ra những phán quyết chống bán phá giá trong những trường hợp như vậy đối với chúng ta còn là điều mới lạ.

Không nên trách cứ những lúng túng trong các vụ kiện thương mại vừa qua khi chúng ta đang từng bước hội nhập và mở rộng thị trường thương mại. Nhưng đó là những bài học thiết thực để bắt đầu từ bây giờ phải chuẩn bị những điều kiện thiết yếu khi cuộc chơi thương mại bắt đầu. Với tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, chúng ta không chỉ phòng ngự mà còn phải biết tích cực chủ động. Dự thảo về Pháp lệnh chống bán phá giá đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua là hành lang pháp lý cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn chính là việc "điều chuyển" cách nghĩ, cách làm của các nhà quản lý, sản xuất, kinh doanh

Trường Đăng
.
.
.