Chủ động đấu tranh, ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc

Thứ Ba, 06/11/2018, 18:06
Chiều 6-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố một số nội dung chính tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 10, trong đó có nhiều vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận là xử lý sim rác và quản lý mạng xã hội; quy hoạch báo chí và phát triển nguồn nhân lực để đưa Việt Nam trở thành cường quốc về An ninh mạng.


Theo Bộ TT&TT, đối với việc xử lý SIM rác, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã đưa ra các giải pháp như SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh; Các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ cào điện thoại. 

Cùng với đó, sẽ thúc đẩy nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Ba giải pháp này sẽ giải quyết đáng kể vấn nạn SIM rác, trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Về lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT đã hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án Giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp giám sát ATTT dài hạn cho mạng người dùng và trang thông tin điện tử Bộ TT&TT. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10-2018

Trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, thực hiện yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tạm dừng xem xét, thỏa thuận cấp mới giấy phép trong hoạt động báo chí cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức về Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong tháng 10-2018, Bộ đã không cấp phép mới cho các cơ quan báo chí. 

Hiện tại, Bộ chỉ cấp các loại giấy phép như: giấy xuất bản bản tin, xuất bản đặc san, số đặc biệt cho các cơ quan báo chí, tổ chức, đơn vị theo quy định. Cục Báo chí đã làm việc với các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí của các hội, hiệp hội để triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Viettel để hoàn thiện hệ thống lưu chiểu điện tử và giám sát truyền thông, trong đó có hệ thống đo lường số lượng tin xấu, tin tốt…

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như Kiến nghị đưa mục chi cho lĩnh vực CNTT vào dự toán ngân sách của Chính phủ; Ưu tiên đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; Đề xuất với Chính phủ về chính sách thu phí dành cho các doanh nghiệp ICT của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam làm quỹ nghiên cứu phát triển lĩnh vực ICT;

Xây dựng Hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia và trước mắt là xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0 tại Việt Nam; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam góp phần tăng năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực; tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực An toàn, an ninh mạng với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng.

Về hệ sinh thái số Việt Nam, mục tiêu của Bộ TT&TT là đến năm 2020, thuê bao mạng xã hội Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội. Nhiệm vụ này được Bộ tập trung giao cho 3 đơn vị chính là Zalo (VNG), VCCorp và Mocha (Viettel). 

Về quản lý mạng xã hội,  Bộ TT&TT cũng đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; kế hoạch đấu tranh ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. 

Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên 2 mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google. Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp về thanh toán cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số. Quan điểm của Bộ là tài khoản viễn thông có thể dùng làm vật thanh toán các loại hàng hoá khác với giá trị nhỏ hơn 2 triệu. 

Về lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Thông tin, tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo nên khát vọng về một dân tộc hùng cường. Đây là triết lý, là tuyên ngôn của báo chí. 

Do vậy, Cục Báo chí cần tiến hành đo đạc, thống kê thông qua hệ thống lưu chiểu điện tử, có các đánh giá một cách khoa học, chính xác từ đó có kế hoạch phù hợp nhằm phát triển lĩnh vực thông tin, tuyên truyền một cách lành mạnh, khơi dậy nguồn lực vô hạn của đất nước.

H.Thanh
.
.
.