Chống tiêu cực trong giáo dục: Phải từ gốc

Chủ Nhật, 17/09/2006, 09:00

In 1 cuốn sách lãi 14 tỉ đồng. Mỗi năm NXBGD in khoảng 2.500 đầu sách. Vậy lãi bao nhiêu? Quả là siêu lợi nhuận. Tôi cũng không muốn đề cập việc nhà này nặng tính kinh doanh, độc quyền (do cơ chế, quy định của Nhà nước chăng?).

Việc Bộ trưởng Bộ  Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân đã có những động thái, việc làm cụ thể trong việc khởi xướng và đi đến cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" là những tín hiệu đáng mừng.

Sẽ không quá nếu như cho rằng tiêu cực trong thi cử đã là điều hiển nhiên trong toàn bộ hệ thống giáo dục của nước nhà. Sẽ là chuyện lạ, rất đỗi lạ lùng nếu ở tiểu học, THPT, thi đại học, rồi bằng 2, rồi cao học, thạc sĩ, tiến sĩ lại không hiện diện sự hiển nhiên kia.

Bởi thế, giờ mới nói không, mới chống tiêu cực trong giáo dục là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.

Vì vậy phải chống tiêu cực trong giáo dục như thế nào? Phải tìm ra đâu là căn nguyên. Phải chống triệt để, liên tục. Đừng “đánh trống bỏ dùi”, cũng đừng “bắt cóc bỏ đĩa”, lại cũng đừng “đánh bùn sang ao”... và quan trọng hơn phải chống từ gốc.

Vậy đâu là gốc?

Nhiều người, vô vàn người tâm huyết cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh nghiêm khắc với thí sinh, giám thị, chủ tịch Hội đồng thi (không cho thí sinh thi tiếp năm sau, không giảng dạy, buộc thôi việc...) những hình thức kỷ luật, răn đe trên là cần thiết. Nhưng đó chỉ là vặt lá, chặt cành.

Không phải là gốc rễ.

Theo thiển ý của  tôi, gốc rễ của việc chống tiêu cực (không chỉ trong việc thi cử) mà là trong giáo dục thì cái gốc của nó phải là cách dạy của thầy, cách học của trò, cách ra đề thi, cách biên soạn để có sách giáo khoa (SGK) chuẩn từ lớp 1 đến lớp 12.

Chúng ta không thiếu các thầy cô giỏi, các giáo sư, tiến sĩ khoa học... có chuyên môn, tận tụy, tâm huyết với nghề. Chúng ta cũng có không ít các em học sinh bố mẹ nghèo, hoàn cảnh khó khăn bố mẹ phải lao động quần quật, dè xẻn, chắt chiu từng đồng... Vậy mà con cái vẫn học được hết THPT, vẫn đỗ cao đẳng, đại học thậm chí đỗ thủ khoa.

Nhưng một khi ngành giáo dục của chúng ta lại biến thầy cô, hoặc giả thầy cô chỉ là cái máy đọc cứng nhắc những bài văn mẫu, sáo mòn. Và thầy cô (dĩ nhiên không phải là tất cả) bằng lòng với cách này không chịu bổ sung kiến thức, không “thay pin, sạc điện” nên không mở rộng, truyền thụ cho mỗi học sinh cảm thụ được cái hay cái sâu xa của tác phẩm, của lẽ đời.

Dạy như thế, đương nhiên trò sẽ ngại, sẽ ngán và rồi sẽ dốt môn Văn. Còn nếu có khá, giỏi thì cũng là khá giỏi của học vẹt, học tủ. Khi đi thì lệch tủ là trò phải trả giá, lãnh đủ ngay. Thế cho nên thí sinh phải cần đến “phao”, phải có ai đó nhắc bài, chuyển bài. Và tiêu cực trong thi cử vẫn cứ mãi có đất sống.

Nhưng một khi việc ra đề thi (chỉ khuôn trong môn Văn) chỉ là một hình thức kiểm tra những kiến thức được nhồi nhét chứ không phải phát huy tính độc lập, sáng tạo của mỗi thí sinh... thi cử vẫn chỉ là những con vẹt không hơn không kém.

Rồi lại “Bao giờ có SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông?”. Đây là một câu hỏi canh cánh từ 25 năm nay không chỉ với hết thảy các bậc phụ huynh mà còn của bao người tâm huyết, nặng lòng với việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Vấn đề này đã được nhiều người, nhiều cơ quan ngôn luận bàn tới.

Mới đây, trên Tuần báo Pháp luật & Xã hội số 6 từ 24 đến 30/8/2006 cũng bày tỏ thêm đôi điều... “Chi phí cho biên soạn, in ấn cuốn sách này, (SGK môn Ngữ văn lớp 1, tập 1) theo các chuyên gia tính tổng chỉ khoảng 1,3 tỉ. Còn phần lãi của NXBGD cho việc in cuốn sách trên là 14 tỉ đồng, xấp xỉ 1 triệu USD”.

In 1 cuốn sách lãi 14 tỉ đồng. Mỗi năm NXBGD in khoảng 2.500 đầu sách. Vậy lãi bao nhiêu? Quả là siêu lợi nhuận. Tôi cũng không muốn đề cập việc nhà này nặng tính kinh doanh, độc quyền (do cơ chế, quy định của Nhà nước chăng?).

Rõ ràng sự bòn rút này là không thể chấp nhận bởi nó đánh trực tiếp vào hết thảy mọi người dân, tạo nên một nghịch lý lãng phí cho người dân, cho Nhà nước một cách ngang nhiên, đường hoàng và kéo dài 25 năm rồi, ấy là về mặt kinh tế.

Nhưng băn khoăn đau đáu nỗi niềm là chất lượng của SGK của chúng ta (vấn đề này, nhiều nhà chuyên môn cũng đã lên tiếng). Và rồi chắc chắn còn lên tiếng.

Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, trọng thầy cô. Nhà nước ta quan tâm và dành một ngân sách rất lớn cho giáo dục nước nhà.

Đừng phụ lòng tin của dân, của Nhà nước. Mong Bộ GD-ĐT, mong tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hoàn thành chức trách bổn phận của mình, từng bước khắc phục, chống tiêu cực trong giáo dục.

Và phải chống từ gốc.

Vẫn còn đủ thời gian và điều kiện chấn hưng nền giáo dục nước nhà

Tuấn Vinh
.
.
.