Chống tham nhũng, lãng phí: Nói đi đôi với làm

Thứ Tư, 11/10/2006, 08:52

“Quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình hành động chống tham nhũng và lãng phí, không được để chương trình hành động chỉ tồn tại trên giấy, khi đó tình hình sẽ càng trở nên phức tạp hơn, nhân dân sẽ càng mất lòng tin hơn nữa đối với Đảng và Nhà nước ta...".

Ngày 9/10, trong Hội nghị phổ biến, triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Một lần nữa yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ X về quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của toàn Đảng, toàn xã hội lại được khẳng định một cách rõ nét và cụ thể. Nói được là tốt, nhưng cần phải làm được, làm có hiệu quả thì mới đúng theo tinh thần cộng sản.

Hơn bao giờ hết, ở thời điểm hiện nay, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã thực sự trở thành một nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, đất nước ta, đối với sự hưng vong của chế độ XHCN. Điều này không phải bây giờ mới được chúng ta nhận thức một cách rõ ràng. Ngay từ năm 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII cũng đã rung chuông cảnh báo về nguy cơ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, coi đó là một thách thức lớn đối với sự nghiệp đổi mới, với sự ổn định và phát triển của đất nước ta. Và cũng từ đó một cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí đã được dấy lên một cách bền bỉ. Và phải nói rằng, trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã giành được những kết quả nhất định.

Đúng như đồng chí Trương Tấn Sang đã đánh giá, "nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết, những cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, đã được xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới".

Tuy nhiên, việc đã làm được dù  nhiều bao nhiêu thì những việc cần phải làm tiếp tục vẫn muôn phần nhiều hơn; đặc biệt, trong tình hình hiện nay của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Chỉ có chủ trương đúng thôi thì chưa đủ vì "tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng, phạm vi rộng, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, tính chất rất phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, thu - chi ngân sách Nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, doanh nghiệp Nhà nước, trong sản xuất, lưu thông, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật: điều tra, truy tố, xét xử. Tham nhũng, lãng phí còn xảy ra cả trong lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, trợ giúp người nghèo, vùng nghèo, vùng bị thiên tai, bão lụt, những người thuộc diện chính sách xã hội... với những thủ đoạn rất tinh vi và hậu quả hết sức nghiêm trọng".

Hơn bao giờ hết chúng ta cần nhớ lại lời dạy của Bác Hồ: "Chủ trương 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20".

Và vì thế, đúng như đồng chí Trương Tấn Sang đã phát biểu tại Hội nghị, "phải biến quyết tâm chính trị chống tham nhũng, lãng phí của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, của Nhà nước ta thành quyết tâm chính trị của tất cả các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương, của tất cả mọi cán bộ, đảng viên và của mọi tầng lớp nhân dân; phải thu hút, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh này".

Nói đi đôi với làm, cụ thể hóa các chủ trương thành những biện pháp có đủ hiệu lực để loại trừ tham nhũng ra khỏi cuộc sống lành mạnh của xã hội chúng ta. Và theo hướng đó, "mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị đều phải rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội của mình, nhất là trong những lĩnh vực còn nhiều sơ hở, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí cán bộ, công chức, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; hoàn thiện công tác cán bộ, chính sách cán bộ; bảo đảm công khai, minh bạch, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở...".

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không bao giờ được xao lãng vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, của các phương tiện thông tin đại chúng... Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chúng ta cần phải "tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc đã được phát hiện mà xã hội hết sức quan tâm; kiên quyết không để có ''vùng cấm'', ''vùng an toàn'', dù người đó là ai, giữ chức vụ gì, đang công tác hay đã nghỉ hưu. Chúng ta phải thực hiện bằng được điều này vốn đã được nói rất nhiều lần, nhưng thực hiện lại chưa nghiêm, nhân dân giảm sút lòng tin, tham nhũng, lãng phí còn nơi nương náu, trú ngụ và phát triển".--PageBreak--

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng lưu ý tới việc "chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn động cơ dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Đối với những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút thì dù cơ quan chức năng chưa kết luận được, cấp ủy vẫn phải xem xét, bố trí công việc khác cho phù hợp. Xem xét, xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan về những vụ việc tham những, lãng phí do cán bộ, đảng viên dưới quyền quản lý trực tiếp gây ra, và cả việc không nắm được tình hình, không quản lý được đơn vị, không phát hiện được những vụ việc tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng xảy ra ở đơn vị mình trước khi nhân dân, các cơ quan chức năng hay báo chí phát hiện".

Trên tinh thần đó, ngay từ bây giờ, "chương trình hành động của các cấp, các ngành, từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến đơn vị cơ sở đều phải xác định rõ đâu là những ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu thường xảy ra tham nhũng, lãng phí, đâu là những vụ việc quan trọng, bức xúc nhất cần được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung cao độ các lực lượng giải quyết dứt điểm, từ việc tổ chức kiểm tra, thanh tra, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân phát hiện, tố giác, đưa ra ánh sáng mọi vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là những vụ tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, kéo dài, nhưng lâu nay đã được che đậy một cách tinh vi; vừa xử lý nghiêm minh mọi sai phạm khi được phát hiện, vừa phải nhanh chóng khắc phục triệt để hậu quả do tham nhũng, lãng phí gây ra và nguyên nhân dẫn tới vụ việc tham nhũng, lãng phí đó, tạo phản ứng dây chuyền tích cực trong mỗi ngành, mỗi địa phương.

Kết hợp chặt chẽ giữa việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí với củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, luật pháp. Chương trình hành động mỗi cấp, mỗi ngành phải thể hiện đầy đủ ý chí, quyết tâm chính trị cao, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, rõ ràng, đủ sức xoay chuyển tình hình của ngành, địa phương, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm thực hiện, rõ người, rõ việc, rõ thời gian phải hoàn thành".

Phương châm hành động chính yếu của chúng ta sẽ phải là: "Nói thì phải đi đôi với làm, không được chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít; phải quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình hành động, không được để chương trình hành động chỉ tồn tại trên giấy, khi đó tình hình sẽ càng trở nên phức tạp hơn, nhân dân sẽ càng mất lòng tin hơn nữa đối với Đảng và Nhà nước ta...".

Chỉ có như thế thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới được đẩy mạnh và có hiệu quả thực sự. Và chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể làm "tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, sẽ động viên được cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra".

Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng đã đề ra 4 chương trình công tác năm 2007 gồm: Chỉ đạo xây dựng các văn bản để thực hiện NQTW3 (khoá X) và Luật Phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, đôn đốc việc nghiên cứu, phát hiện những sơ hở, thiếu sót để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách...; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý các vụ việc và vụ án về tham nhũng; kiện toàn các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra 2 Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Về Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã tập trung vào 5 nhóm hành động, gồm: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách; tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống, tham nhũng; phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân, phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí TW và địa phương trong việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Việc triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tập trung vào 6 nhóm hành động, gồm: Ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

CAND
.
.
.