Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn, thị sát việc xả lũ
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, các vấn đề được đại biểu trao đổi quan tâm là tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại các ngành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách Nhà nước, nợ công, sử dụng vốn vay, sắp xếp bộ máy hành chính, giảm nghèo, chống tham nhũng, lãng phí, ứng xử với người dân... Các Bộ trưởng cũng đã giải trình về các vấn đề mà đại biểu quốc hội nêu ra và tranh luận.
Về tăng trưởng GDP, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không, tất cả bài toán phải tính lại. Chỉ số này góp phần đảm bảo an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, thu ngân sách tăng, đảm bảo các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng, góp phần giảm bội chi. “Tăng trưởng cao hơn mới giúp Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới, khắc phục tụt hậu” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. |
Phó Thủ tướng nêu rõ, dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng, trong đó có sự giảm sút trong khai thác dầu khí, khoáng sản, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Phó Thủ tướng bày tỏ lạc quan khi có nhiều tín hiệu mừng cho nền kinh tế: năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năm 2018 dự kiến tăng 14 bậc. Hãng Moody's nâng mức tín nhiệm ngân hàng Việt Nam lên mức tích cực.
Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng kịch bản cho từng quý, rà soát với 31 sản phẩm chủ lực, yêu cầu các bộ, ngành có liên quan kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, kết quả tăng trưởng đạt được không phải phụ thuộc vào Samsung hay một vài sản phẩm thép mà đồng đều các ngành, lĩnh vực, có đóng góp của nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực. “Lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng nhưng không phụ thuộc vào tăng trưởng của ngành khai khoáng” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
“Chất lượng tăng trưởng nhiều đại biểu chưa hài lòng. Điều này thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn thấp, công nghiệp hỗ trợ còn chậm, đặc biệt trong ôtô... Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng còn chậm, lúng túng ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ vẫn đang tập trung chỉ đạo tái cấu trúc ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phù hợp. Trong đó, tập trung các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện thể chế như các Luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, phí, ngân sách. Gắn quy hoạch với tái cấu trúc ngành, ứng phó biến đổi khí hậu, với thị trường. Lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu nhưng vẫn coi trọng thị trường nội địa.
Có nên chi tiền Bảo hiểm vào các khoản để mất hoặc tiêu cực? Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến về việc Bộ trưởng Trần Thị Kim Tiến cho rằng do biến đổi khí hậu, nóng kéo dài, mưa rất nhiều, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, bệnh dịch nhiều, lây lan nhanh do không khoanh vùng dịch, không công bố dịch kịp thời để đến lúc dịch tràn lan, chết người rồi thì mới làm thì không kịp.
Liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc giữ tiền phải hoàn toàn chính đáng, việc chi tiền phải đảm bảo quyền lợi của người dân – những người là chủ sở hữu của số tiền đó chứ không thể chi tiền tràn lan. Nêu ví dụ về việc đấu thầu thuốc lần thứ nhất đã giảm hơn 500 tỷ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu câu hỏi “Vậy số tiền chúng ta để mất do đấu thầu thuốc, hay để ra những vụ tiêu cực như Pharma, thì chúng ta có nên chi tiền của bảo hiểm do người dân đóng vào hay không? |