Chính phủ điện tử khó hình thành nếu thiếu sự liên thông
- Phê duyệt 6 cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ điện tử
- Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử
- Năm 2012, Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử
Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của Chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, lộ trình ứng dụng CNTT trong sự phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như hạ tầng CNTT còn hạn chế khiến việc ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ điện tử tại Việt Nam chưa thực sự được hình thành do thiếu sự liên thông, kết nối dù việc ứng dụng CNTT đã được nhiều Bộ, ngành triển khai khá mạnh. Theo ông Hà, mấu chốt căn bản để hình thành Chính phủ điện tử chính là sự kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành. Do vậy, muốn xây dựng được Chính phủ điện tử, cần phải thực hiện sự liên thông các văn bản điện tử từ cấp xã, huyện, tỉnh, cho tới trung ương; đồng thời thu hút người dân và các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công, được tích hợp lên một cổng quốc gia thống nhất.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Chính phủ luôn cố gắng tạo điều kiện phát triển ứng dụng CNTT trong các hoạt động của bộ máy nhà nước, điển hình như xây dựng các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo dựng một chính phủ minh bạch, thuận tiện và gần dân.
Thực tế đó đã phần nào thể hiện rõ nỗ lực cũng như quyết tâm của các Bộ, ngành trong phát triển ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ dân sinh.Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử do thiếu kinh phí. Bằng chứng là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn ở quy mô nhỏ, chưa có sự liên thông mạnh mẽ giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương. Hệ quả là các dịch vụ công phục vụ trực tiếp người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là các dịch vụ công cấp độ cao cấp 3, cấp 4.
Nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan, doanh nghiệp lớn cũng đã thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” làm chậm lại quá trình hình thành Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Trong đó, bên cạnh những khó khăn mang tính kinh niên như thiếu vốn, thiếu kinh phí đầu tư thì phương pháp triển khai chưa hợp lý và quyết tâm của lãnh đạo chưa cao cũng đang là trở ngại lớn.
Ngoài ra, an toàn thông tin cũng đang là vấn đề mang ý nghĩa sống còn trong lộ trình ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, khi mà tình hình mất an toàn thông tin trong những năm gần đây đang diễn biến phức tạp với những hình thức tấn công ngày càng gia tăng và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao. Do đó, song song với việc thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử thì đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống cũng đang là bài toán mà Việt Nam cần phải tính toán hợp lý.