Chính phủ đề nghị được đặc cách trong mua sắm thuốc, trang thiết bị chống dịch
- Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm việc nâng giá mua sắm trang thiết bị chống dịch
- Trang cấp trang thiết bị chống dịch cho Công an các đơn vị, địa phương
Chính phủ cần được trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, đến nay ghi nhận hơn 191 triệu ca mắc, trong đó hơn 4,1 triệu trường hợp tử vong do COVID-19. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc Châu Á, Châu Âu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình. |
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố; cả nước ghi nhận 86.957 ca đến ngày 23/7/2021, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 335 trường hợp tử vong.
Đợt dịch thứ tư đang gia tăng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ.
Về pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…) và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái "bình thường mới", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Từ lý do trên, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch COVID -19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ưu tiên ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, dịch đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới có khả năng cao sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn nữa.
Đại biểu tham dự phiên họp. |
Về nội dung đưa vào Nghị quyết kỳ họp, Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện, các biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ được ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch.
Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.
Toàn cảnh hội trường. |
"Việc Quốc hội quyết nghị vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của Kỳ họp thứ nhất, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.
Về cơ bản Ủy ban tán thành với phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, tuy nhiên đề nghị cần rà soát, thu gọn các nội dung để thể hiện một cách khái quát hơn. Về áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định khác với quy định của Luật, Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện và Chính phủ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước trong dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa lại như sau: "Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19".