Chiêu trò chống phá núp bóng quyền tiếp cận thông tin của công dân
Việc làm của các cá nhân, tổ chức này không nằm ngoài mục đích xuyên tạc bản chất vấn đề, gây ra sự hiểu nhầm, hiểu sai lệch về thực tế quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Chúng ta đều biết, ngay từ những ngày đầu tiên giành độc lập, việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân nói chung, quyền tiếp cận thông tin nói riêng luôn được Đảng ta quan tâm, ghi nhận trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật và được xem là mục đích tối thượng trong sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Trải qua các giai đoạn, quyền tiếp cận thông tin được liên tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh lịch sử và trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Quá trình sử đổi, ban hành Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) đã thể hiện một cách toàn diện, đầy đủ quan điểm, chủ trương, cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, tùy theo các lĩnh vực, góc độ, cấp độ khác nhau, Đảng, Nhà nước ta cũng đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp bằng các văn bản luật, dưới luật trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh quyền tiếp cận thông tin của công dân, cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, như: Luật Báo chí; Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Ngân hàng Nhà nước; Luật Ngân sách Nhà nước; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng làm nền tảng cho việc đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin được thực hiện trên thực tế.
Trên phương diện thực tiễn, những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình, phương tiện truyền thông đại chúng; các cơ chế dân chủ rộng rãi như: chất vấn lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, “dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, tọa đàm, tranh luận, phản biện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... thì quyền tiếp cận thông tin của công dân đang ngày càng được đáp ứng, đảm bảo tốt hơn.
Ngoài các loại hình báo chí, hiện còn có 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có nhiều kênh phát rộng rãi trên toàn thế giới, như: CNN, BBC, TV5; Bloomberg... Kết quả này đã góp phần làm thỏa mãn nhu cầu thông tin đa chiều của nhân dân không chỉ là những vấn đề trong nước mà trên toàn thế giới; đồng thời, phản ánh một cách khách quan, sinh động, chân thực thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ở bất kỳ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới, việc quy định giới hạn nội dung thông tin được tiếp cận tới đâu là vấn đề có tính nguyên tắc. Việt Nam không phải là quốc gia ngoại lệ. Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về Bảo vệ bí mật Nhà nước đã quy định rõ đối với những tin thuộc bí mật Nhà nước, “Nhà nước có thể không công bố hoặc chưa công bố... Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ…”. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có những hạn chế nhất định trong việc cung cấp cũng như tìm hiểu, tiếp cận những thông tin liên quan đến bí mật nhà nước. Việc cung cấp những thông tin này phụ thuộc vào tính chất, mức độ của vụ, việc, bối cảnh lịch sử và tuân thủ quy định của luật pháp. Tuyệt đối không vì đòi hỏi phi lý của một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Do đó, sẽ không có gì là vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong trường hợp thông tin đó thuộc bí mật Nhà nước chưa được giải mã.
Liên quan đến vấn đề này, hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ “bom tấn thông tin” gây chấn động thế giới hồi năm 2010 khi mạng tin WikiLeaks công bố hơn 92.000 trang tài liệu mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến tranh ở Afghanistan và 400.000 tài liệu mật về chiến tranh Iraq. Những thông tin “nóng hổi” này vào thời điểm đó, không chỉ riêng người dân nước Mỹ, mà toàn thế giới đều quan tâm, muốn biết. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn kín như bưng cho đến khi WikiLeaks đưa những thông tin này ra ánh sáng. Điều đáng nói ở đây là, ngay cả ở một đất nước vẫn tự xem mình là thiên đường của nền dân chủ, nhân quyền như Mỹ thì không phải lúc nào chính quyền cũng công khai hóa mọi thông tin, tài liệu của quốc gia. Đương nhiên, theo quan điểm của giới chức trách Mỹ, việc giữ bí mật những thông tin đó là đúng pháp luật nhằm phục vụ cho chính lợi ích quốc gia và nó không được cho là vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Quay trở lại vấn đề, việc một số tổ chức, cá nhân đăng tải những bài viết yêu cầu chính quyền và cơ quan chức năng Việt Nam phải công khai hóa những thông tin nằm ngoài phạm vi, giới hạn được phép cung cấp là hoàn toàn phi lý. Đó là một trong những chiêu bài nhằm lợi dụng quyền tiếp cận thông tin để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền để phục vụ mưu đồ chính trị xấu xa