Chỉ định thầu mua sắm vật tư y tế quá nhiều lỗ hổng

Thứ Hai, 15/06/2020, 17:40
Nhiều đại biểu quan tâm đến 2 vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của cử tri đó là y tế và giáo dục; phát hiện nhiều lỗ hổng, tồn tại trong hai lĩnh vực này, kiến nghị nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề trên.

Ngày 15/6, thảo luận trước Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến 2 vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của cử tri đó là y tế và giáo dục; phát hiện nhiều lỗ hổng, tồn tại trong hai lĩnh vực này, kiến nghị nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề trên.

Đề xuất Thủ tướng thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục. Điều này sẽ giúp cho Thủ tướng và Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong trung hạn, dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại biểu đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động. Bên cạnh đó, bà mong muốn Thủ tướng cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn.

Chỉ định thầu mua sắm vật tư y tế quá nhiều lỗ hổng

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đánh giá trong thời gian đại dịch, cả nước chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y tế không quản ngại vất vả, hy sinh, mang lại bình yên cho xã hội. Song, vụ việc tham nhũng, nâng giá thiết bị y tế vừa qua đã ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh đội ngũ y tế vốn đang rất đẹp đẽ.

Đại biểu cho rằng vụ việc này vai trò quản lý của Nhà nước cũng có trách nhiệm, các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương tìm và sửa chữa các lỗ hổng trong quản lý giá và mua sắm vật tư y tế.

Mặc dù cho rằng việc chỉ định thầu trong mua sắm máy xét nghiệm là hợp lý trong giai đoạn dịch COVID -19 cấp bách, đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng việc này đáp ứng được nhu cầu cấp bách nhưng tạo ra nhiều lỗ hổng khi giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư (cơ quan chủ trì việc mua sắm) và thiếu cơ chế giám sát việc chỉ định thầu.

“Điều này dẫn đến các địa phương chỉ định thầu, mua cùng loại vật tư y tế nhưng khác nhau về giá và quá chênh lệch so với giá thị trường”-  đại biểu cho hay.

Bà Võ Thị Như Hoa đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu cho Chính phủ xem xét lại quy định này, đảm bảo việc chỉ định thầu được chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản Nhà nước; đề nghị phải có bộ điều kiện cụ thể để chỉ định, lựa chọn nhà thầu. Cơ quan chức năng phải cập nhật giá để tham khảo, xem xét.

Đại biểu cũng cho rằng số tiền ngân sách chi trả cho vật tư y tế hàng năm là không nhỏ có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm ở các địa phương, nhưng lại không có hệ thống dữ liệu chuẩn để đối chiếu giá của các thiết bị y tế; đề nghị Bộ Y tế sớm có trang thông tin về giá các vật tư y tế để địa phương tham khảo. Bộ cũng cần có hướng dẫn các địa phương về lựa chọn các thiết bị, nhà cung cấp, giá để đảm bảo tiêu chuẩn của ngành y tế.

Giá SGK phải vừa túi tiền của đại đa số gia đình

Trong phiên thảo luận ngày 13/5, vấn đề giá sách giáo khoa đã được một số đại biểu nhắc đến bởi giá sách quá cao, không phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Chiều 15/6, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) tiếp tục đề cập đến vấn đề này.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết

Đại biểu dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình. Tuy nhiên đến nay, bộ SGK này chưa có do khi thương thảo để ký hợp đồng sau đấu thầu, các nhà biên soạn đều đưa ra yêu cầu nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng SGK, điều này không phù hợp với quy định và dự toán gói thầu.

"Mà quan trọng hầu hết ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các nhà xuất bản khác" – đại biểu nói. 

Theo nữ đại biểu, dù Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ biên soạn SGK cho Bộ GD&ĐT từ rất sớm vào năm 2014 nhưng Bộ lại tiến hành đấu thầu rất chậm vào 2019 nên không tuyển chọn được chuyên gia giỏi tham gia chương trình. Với cách làm này và với lý giải của Chính phủ, không chỉ SGK lớp 1 mà SGK lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng SGK do tư nhân làm vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn và khẳng định lại có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì hay không để đại biểu Quốc hội trả lời trước cử tri.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền trong biên soạn SGK là cần thiết, ủng hộ, nhưng việc này phải đảm bảo mang lại SGK chất lượng tốt, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục mới và phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình. Nhắc đến giá SGK, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét và có hỗ trợ về giá với SGK, đặc biệt với SGK tiểu học.


Thu Thuỷ
.
.
.