Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Chế định Bảo vệ Tổ quốc cần được thiết lập một cách chặt chẽ trong Hiến pháp

Thứ Bảy, 16/03/2013, 15:07
Qua nghiên cứu các quy định của Hiến pháp 1992 và Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), PGS,TS Hà Việt Dũng Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học ANND kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế định Bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế đã cho thấy, lịch sử lập hiến của nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946 - một đạo luật căn bản, “luật gốc” và đã trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi. Với vị trí là một chế định quan trọng nên từ trước tới nay, chế định Bảo vệ Tổ quốc luôn được đề cập và từng bước bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn. Qua nghiên cứu các quy định của Hiến pháp 1992 và Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế định Bảo vệ Tổ quốc trên một số nội dung cụ thể sau:

Một là, cần thiết nên bổ sung thêm một nội dung quy định về khái niệm bảo vệ Tổ quốc. Trên thực tế, Bảo vệ Tổ quốc là một chế định quan trọng được đề cập đến trong nội dung tất cả các Hiến pháp từ Hiến pháp 1946,1959, 1980 và Hiến pháp 1992, song từ trước đến nay chưa có bản Hiến pháp nào có nội dung quy định giải thích về khái niệm Bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần thiết nên có một điều hoặc có nội dung giải thích về thuật ngữ này trong chương IV. Theo chúng tôi, có thể hiểu khái niệm bảo vệ Tổ quốc như sau: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN

Hai là, cần thiết nên bổ sung quy định rõ trong Hiến pháp lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm những lực lượng nào. Thực tế cho thấy, tại chương IV của dự thảo, tất cả các điều đều có liên quan đến thuật ngữ “lực lượng vũ trang nhân dân”, song lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm những lực lượng nào lại không có điều khoản nào xác định rõ. Theo đó, cần xác định ngay trong Hiến pháp lực lượng vũ trang bao gồm các lực lượng cụ thể là: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ.

Ba là, cần thể chế quan điểm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội vào chế định bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp sửa đổi. Đây là nội dung quan trọng xác định nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, chỉ rõ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.

Bốn là, đối với Điều 44 Hiến pháp 1992 (Điều 69 Dự thảo). Từ những vấn đề đã nêu trên (điểm 1, 2, 3), theo chúng tôi cần thiết bổ sung sửa đổi Điều  69 của dự thảo là: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trong đó lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”.

Năm là, đối với Điều 45 Hiến pháp 1992 (Điều 70 Dự thảo). Cần bổ sung nội hàm về tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đây là vấn đề đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định rõ. Do vậy, Hiến pháp cần bổ sung vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Như vậy, Điều 45 (Điều 70 của dự thảo) sẽ được sửa đổi là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo, biên giới, vùng trời, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Sáu là, đối với Điều 46 Hiến pháp 1992 (Điều 72 dự thảo) và Điều 47 Hiến pháp 1992 (Điều 73 dự thảo). Điều 46 và 47 Hiến pháp 1992 (Điều 72 và 73 dự thảo) quy định việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Theo chúng tôi không cần giữ cụm từ “cách mạng” trong các điều này. Theo đó, các điều này được chỉnh sửa như sau: Điều 46 (Điều 72 dự thảo): Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng hùng hậu, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Điều 47 (Điều 73 dự thảo): Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bảy là, đối với Điều 48 Hiến pháp 1992 (Điều 73 Dự thảo). Điều này cần bổ sung thêm vấn đề “công nghiệp an ninh” và khái quát hơn về chế độ chính sách với lực lượng vũ trang. Theo đó, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về “xây dựng nền công nghiệp an ninh” và bổ sung mối quan hệ giữa kinh tế với an ninh vào Điều 48 Hiến pháp 1992 (Điều 73 dự thảo) cụ thể như sau:“Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương đối với lực lượng vũ trang, xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên lực lượng vũ trang, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.

Sửa đổi Hiến pháp là vấn đề cần thiết nhưng cũng rất hệ trọng nên phải tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, có sự tham gia của các chuyên gia và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Về chế định Bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi nêu một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp để cùng trao đổi

H.V.D.
.
.
.