Chất lượng công trình yếu kém là do cơ chế giám sát

Chủ Nhật, 17/08/2014, 11:50
Câu chuyện quản lý chất lượng các công trình xây dựng đang là vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay bởi hàng loạt công trình từ lớn đến nhỏ dù mới chỉ đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như câu chuyện đường dẫn nước sạch Sông Đà những ngày qua. Vì sao Nhà nước có cả một hệ thống các quy phạm pháp luật về các tiêu chuẩn trong thi công, xây dựng công trình nhưng chất lượng công trình vẫn yếu kém.

Để độc giả hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, hàng loạt công trình xây dựng, giao thông vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình nhất có thể kể đến như dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã vỡ đến 9 lần ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân, tốn rất nhiều tiền sửa chữa. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

PGS.TS Trần Chủng: Trước tiên phải thấy rằng, chất lượng công trình xây dựng, bao gồm cả công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi... có chất lượng kém thể hiện ngay thông qua những hư hỏng, sự xuống cấp sớm và những sự cố công trình. Chất lượng công trình kém đang gây những bức xúc rất lớn trong xã hội, tác động bất lợi tới cuộc sống của người dân, và đương nhiên, nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Còn nếu nhìn rộng ra, vấn đề chất lượng công trình kém còn ảnh hưởng đến niềm tin quốc gia. Đối với một quốc gia mà thấy nay có sự cố, mai có sự cố thì người dân sẽ mất dần niềm tin. Chính bởi lẽ đó mà thời gian qua, vấn đề này đã được rất nhiều người, rất nhiều chuyên gia bàn tới, trong đó có đề cập tới cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo đánh giá của tôi, hệ thống thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng là khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Nhiều quy định đã bám sát thông lệ quốc tế, tính minh bạch cũng được cải thiện ngày càng cao. Tuy nhiên thực hiện nó thế nào mới là điều quan trọng. Ví như dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, mọi chuyện thế nào mọi người cũng đã biết, tôi không bình luận. Bản chất vấn đề được thể hiện rất rõ qua kết luận của Bộ Xây dựng.

 PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

PV: Không chỉ có dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà mà còn nhiều dự án lớn khác như dự án Bảo tàng Hà Nội, hay hàng loạt công trình giao thông khác... Theo ông nguyên nhân ở đây là gì?

PGS.TS Trần Chủng: Như tôi đã nói ở trên, hệ thống pháp luật của chúng ta về vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung là đầy đủ. Chúng ta cũng đã tổ chức hướng dẫn thực hiện những quy định đó, nhưng vấn đề là nó được hiểu và thực hiện như thế nào, đã vào cuộc sống hay chưa, người ta có tuân thủ không... hay người ta chỉ nói miệng mà không làm hoặc làm chiếu lệ, hình thức? Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng việc thực thi pháp luật còn rất hạn chế. Chính vì vậy mới có những câu chuyện kiểu như, chúng ta thực thi quy trình thì đúng nhưng kết quả lại không đáp ứng kỳ vọng. Họ cứ mang quy trình ra để biện minh về sự tuân thủ quy trình vì đó là pháp luật. Từ bổ nhiệm cán bộ cho đến công việc quản lý chất lượng công trình xây dựng đều tuân thủ quy trình nhưng rồi “chất lượng” vẫn yếu, vẫn kém!

PV: Có ý kiến cho rằng, chất lượng công trình kém có nguyên nhân từ cơ chế bỏ thầu giá thấp. Ông suy nghĩ sao ý kiến này?

PGS.TS Trần Chủng: Tôi hoàn toàn chia sẻ với lo lắng này. Năm 1997, với tư cách là Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), tôi đã từng nói rằng: “ở đâu có ép giá, ở đâu có ép tiến độ thì ở đó nhất định sẽ không có chất lượng đồng hành”. Chúng ta có một thời kỳ rất dài thi nhau đấu thầu theo những tiêu chí hết sức định tính. Ví như xét trên tiêu chí kỹ thuật thì anh này cái gì cũng tốt nhưng rồi, cái tốt ấy lại có thể dễ dàng bị gạt đi bởi một tiêu chí định lượng là giá, cứ giá thấp nhất là trúng thầu. Trước đây, chúng ta cứ nói “tiền nào của ấy” là nói lên ý thức kém, tôi cho là sai vì không thể có chuyện có ý thức mà biến từ cái kém thành cái tốt được, cái đó là phải có tiền, phải có vật liệu, phải có công nghệ. Vậy nên, chúng ta mới có không ít công trình nay hỏng, mai hỏng, sửa chữa hết đợt này sang đợt khác, gây tốn kém, lãng phí rất nhiều bởi vì giá thấp nên chất lượng vật liệu, trình độ con người và thiết bị công nghệ không thể cao mãi được.

Với tư cách là một người theo dõi tình hình chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước trong nhiều năm qua, có thể nhãn tiền tôi nhận thấy, cái đấu thầu theo nguyên tắc “đấu giá thấp nhất thắng thầu” đã gây thiệt hại lớn chủ yếu thông qua chất lượng công trình. Một công trình đáng nhẽ phải bền vững trong vòng 15 năm mới phải trùng tu, nhưng 5 năm chúng ta đã phải làm. Hay một công trình đáng nhẽ tuổi thọ của nó phải là 100 năm nhưng chỉ 60 năm, thậm chí có khi là 30 năm, 20 năm đã hư hỏng, phải thay thế...

PV: Cũng có ý kiến nói rằng nhiều nước trên thế giới cũng làm theo phương pháp này nhưng chất lượng các công trình xây dựng của họ vẫn rất tốt. Cơ chế đấu thầu có là vấn đề cốt lõi?

PGS.TS Trần Chủng: Chúng ta phải thống nhất với nhau một vấn đề là ở những quốc gia đó, nền kinh tế thị trường của họ rất phát triển, vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp đặc biệt được coi trọng. Giả sử, nếu anh xây dựng một công trình mà nó xuống cấp, hỏng hóc thì sẽ không ai thuê họ nữa. Nên họ không bao giờ chấp nhận giá thấp để bán rẻ thương hiệu của mình cả. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa đạt được đến trình độ đó. Vậy nên, ở nước ta, đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cần phải thực hiện theo một cách khác, một phương thức mới hơn và cần một lộ trình thích hợp.

PV: Theo kết luận của Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến việc đường ống dẫn nước sông Đà liên tục bị vỡ là do chất lượng đường ống. Ông đánh giá thế nào về công tác kiểm định chất lượng vật liệu, chất lượng công trình hiện nay?

PGS.TS Trần Chủng: Trong lĩnh vực xây dựng, người ta đã quy định, tất cả vật tư, vật liệu, sản phẩm xây dựng đều phải thông qua các phòng thí nghiệm kiểm định để hợp chuẩn. Nó cũng giống như chuyện mũ bảo hiểm chẳng hạn, nếu chúng ta làm triệt để từ gốc tức là từ nơi sản xuất ra chúng thì người dân lấy đâu mũ bảo hiểm rởm để mà đội. Nhưng ở nước ta hiện nay, cái chức năng kiểm định này có vẻ đang “cởi mở” với một số lượng lớn những phòng thí nghiệm, những trung tâm kiểm định. Và vì nhiều nên nảy sinh cạnh tranh, dẫn tới hạ giá, thậm chí bán phiếu kết quả. Vậy nên, chúng ta cần có một cơ chế để kiểm soát thực sự quá trình thử nghiệm và kiểm định chất lượng. Tôi xin nhấn mạnh rằng, hiện nay hệ thống thể chế pháp luật về lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng ở nước ta là có, nhưng cơ chế giám sát lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn theo chứng từ, cứ thấy có chứng từ, có dấu đỏ là được nhưng liệu rằng họ có thí nghiệm thật không, có kiểm định thực sự không thì lại không hay.

PV: Giải pháp để giải quyết vấn đề theo ông là gì?

PGS.TS Trần Chủng: Tôi cho rằng, nhà nước cần phải quy định chi phí cho việc thực thi kiểm định, đánh giá chất lượng công trình xây dựng vào dự toán của công trình, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì không được lấy khoản đó. Hiện nay đã có quy định bắt buộc phải thực hiện các thí nghiệm, đánh giá đối với vật liệu, vật tư, công trình xây dựng trong dự toán của gói thầu. Vì phải trích tiền từ gói thầu cũng tạo cơ hội để nhà thầu “trốn” thí nghiệm. Riêng công việc kiểm định đánh giá chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm, thậm chí có văn bản pháp luật còn ghi: “nếu có”. Vì đó, chi phí kiểm định công trình không có trong dự toán nên nếu có làm thì họ lại phải trích từ nguồn nọ, nguồn kia, ảnh hưởng tới lợi ích. Vì thế mà họ không thích và tìm cách trốn tránh. Ngoài ra phải công khai những cơ quan nào, những ai, những tổ chức tư vấn nào có thể làm được các công việc kiểm định, chứng nhận chất lượng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.