Chất lượng chung cư cao tầng: “Một mất mười ngờ”

Chủ Nhật, 17/04/2005, 07:13
Một tháng trôi qua kể từ khi vụ ăn bớt nguyên vật liệu xây dựng ở nhà A2 khu tái định cư Kim Giang bị phát hiện, thị trường nhà chung cư cao tầng tại Hà Nội đã hạ nhiệt.

Tuy vậy, giá cả vẫn còn cao lắm. Chẳng hạn một căn hộ tầng 17 rộng 96,5m2 tại chung cư đang xây dựng ở tít Cầu Diễn được chào giá 386 triệu đồng. Nhưng mãi tới cuối năm 2006 mới được giao nhà. Chưa hết, ai muốn mua phải "xì" thêm 100 triệu đồng tiền chênh lệch, nghĩa là giá đã đội lên ngót 30%. Tại các chung cư "danh tiếng" hơn, giá lên tới 7 triệu, 10 triệu đồng cho một mét vuông phòng ở.

Tuy nhiên, giá đứng thì đứng chứ người mua không mặn mà như thời gian trước. Tại Trung tâm Giao dịch địa ốc ACB, khoảng một tháng nay, người đến "tham khảo" thì có, nhưng chưa có người nào thực sự có ý định mua căn hộ ở nhà chung cư cao tầng.

Văn phòng Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tam Sơn đang "rao" nhiều căn hộ tại các khu Yên Hòa, Mỹ Đình, nhưng chẳng bán được mấy, lượng khách đến tìm hiểu cũng giảm khoảng 40% so với trước Tết Nguyên đán. Các căn hộ không lớn, giá 500 - 700 triệu đồng vốn hợp túi tiền với phần đông khách hàng cũng bị ế. Lượng khách đăng ký mua giảm tới 80% so với trước.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đìu hiu của thị trường nhà chung cư cao tầng. Nhưng yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Khách hàng vốn đã không thật tin tưởng vào chất lượng xây dựng của nhà chung cư thì sau "sự cố" ở khu tái định cư Kim Giang càng có lý do để ngờ vực.

"Không ai có thể lôi tôi vào ở trong nhà chung cư chưa được kiểm tra chất lượng. Tôi không còn dễ tin vào vẻ bề ngoài hào nhoáng nữa". Bác Nguyễn Ngọc Hoàng, một đảng viên hơn 50 tuổi Đảng ở phố Lương Định Của (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi có bản quy hoạch treo từ nhiều năm nay, đã phẫn uất thốt lên như vậy.

Rồi bác nói: "Anh tính, chúng tôi chấp nhận phá bỏ ngôi nhà đã gắn bó hàng chục năm vì những công trình phúc lợi mà lại phải vào sống trong những ngôi nhà cao chót vót bị ăn bớt sắt thép tàn bạo như vậy ư?".

Kiểm định chất lượng chung cư cao tầng

Khi vụ ăn cắp có tổ chức đến 50% lượng thép trong cọc móng của nhà A2 dự kiến xây 12 tầng của khu tái định cư Kim Giang, Hạ Đình  bị phát giác, uy tín của đơn vị thi công bị giảm sút chỉ là chuyện nhỏ, "thương hiệu" nhà chung cư mới là chuyện lớn. Người ta nghi ngờ không chỉ cho các cọc đã đổ bê tông mà cho cả những công trình đã hoàn thành. Các hộ dân ở trên tầng càng cao nỗi lo càng lớn.

Giới kinh doanh bất động sản là những người nhạy cảm nhất. Anh Nam, một người môi giới nhà đất có văn phòng ở phố Láng Hạ, cho biết: "Công trình nào bị báo chí bêu danh về chất lượng công trình thì chỉ có nước ế chỏng chơ. Khu nhà chia lô Đại Kim trước đây bị dư luận liệt vào dạng "có vấn đề". Vì thế, rất nhiều hợp đồng đặt mua qua văn phòng của chúng tôi đã bị hủy".

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giải thích rằng, nhà cao tầng được xây không phải để giữ ở trạng thái "không tải" mà phải chứa một lượng người rất lớn cùng với đồ đạc, nội thất, không phải cho dăm năm mà là 50 năm, không phải để trong môi trường tĩnh mà động - lún, mưa bão, động đất... Mỗi thanh thép được vẽ trong bản thiết kế đều có chức năng và nhiệm vụ của nó chứ không phải để lãng phí tiền của Nhà nước.

Kiểm định chất lượng những khu nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng, ngăn chặn những vụ "rút ruột" công trình xây dựng, tìm cơ chế đấu thầu, giám sát hợp lý... là những biện pháp có hiệu quả để lấy lại niềm tin của người dân vào chất lượng chung cư.

Chứ không thể bằng cách trấn an dư luận rất thiếu trách nhiệm như vị Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng rằng, bớt một nửa khối lượng thép "không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cọc và cũng không gây nguy hiểm"!

Ngọc Tú - Hòe Vinh
.
.
.