Chặt chém trông giữ xe, hố ga mất nắp và câu chuyện trách nhiệm

Chủ Nhật, 14/09/2014, 09:33
Trong những ngày diễn ra Giải bóng đá U19 Đông Nam Á vừa qua tại Hà Nội, vấn đề người hâm mộ bức xúc nhất chính là hàng loạt điểm trông giữ xe chặt chém quanh Sân vận động Mỹ Đình. Chỉ cần một đoạn dây thừng, xô nước vôi, một số đối tượng đã ngang nhiên chăng dây, kẻ vạch trên các hè đường tạo thành điểm trông giữ phương tiện trái phép. Giá trông giữ một lượt xe máy được hét lên 40-50 ngàn đồng. Cao gấp từ 20-25 lần so với giá do UBND TP Hà Nội quy định.

Chỉ cần nhẩm tính số lượng hàng chục ngàn khán giả đến sân nhân với số tiền trên có thể thấy những điểm trông giữ xe trái phép này đã thu về món tiền cực lớn. Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này xuất hiện. Nhiều năm qua, mỗi khi tại Sân vận động Mỹ Đình diễn ra giải bóng đá lớn với sự góp mặt của Đội tuyển Việt Nam thì vấn nạn này lại xuất hiện. Đáng ra trước những giải đấu như thế này, cơ quan chức năng phải tìm cách mở rộng địa điểm trông giữ phương tiện, thậm chí xin cấp phép tạm thời một số điểm để giữ xe đúng giá quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho khán giả, hạn chế vi phạm.

Một vấn đề rất đáng lo ngại do là những điểm trông giữ phương tiện tự phát nên nguy cơ người gửi bị mất phương tiện rất dễ xảy ra. Dư luận vẫn chưa quên vụ một nhóm đối tượng lợi dụng người đi chơi lễ đông đã lập bãi xe giả để chiếm đoạt 5 xe máy đắt tiền vào tối 2/9/2009 tại phố Đinh Lễ, Hà Nội. Gửi xe vào bãi tự phát, vài tiếng sau quay lại  những vị khách này đã bàng hoàng khi thấy cả “nhân viên” trông xe và phương tiện đắt tiền của mình đã không cánh mà bay.

Cũng trong những ngày gần đây, một câu chuyện đau lòng khác đang làm nóng dư luận đó là vụ việc hai cháu bé bị nước cuốn trôi xuống cống không có nắp ở Bình Dương. Câu chuyện về những chiếc cống “tử thần”, những hố ga mất nắp gây tai nạn, thậm chí là cướp đi mạng sống của nhiều người không chỉ có tại Bình Dương mà nhiều địa phương khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội mùa mưa lũ năm 2008, một bác sĩ khi đi trên vỉa hè cũng bị nước cuốn trôi xuống cống tại khu vực Mỹ Đình - Từ Liêm. Mới đây nhất là hồi tháng 7/2014, một cháu bé một tuổi ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên bị tử vong do rơi xuống một hố ga mất nắp tại một công trường xây dựng... Sự thiếu trách nhiệm, tắc trách của đơn vị thi công, quản lý là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng nói trên.

Trở lại câu chuyện chặt chém trông giữ xe tại Sân vận động Mỹ Đình, được biết UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo siết chặt kiểm tra xử lý vi phạm về trông giữ xe, chặt chém giá giữ xe từ nay đến hết năm 2014. Văn bản vừa ban ra nhưng ngay tại Sân Mỹ Đình tình trạng vi phạm ngang nhiên diễn ra. Một Sân vận động Quốc gia với 40.000 chỗ nhưng không bố trí đủ nơi trông giữ xe, để tình trạng chặt chém công khai diễn ra suốt từ năm này sang năm khác. Những hố ga mất nắp, những chiếc cống thi công dở dang vẫn thản nhiên “há mõm” tử thần sẵn sàng gieo tai họa cho những đứa trẻ… Sự thiếu trách nhiệm đó không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của luật pháp, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Phải xem xét và xử lý trách nhiệm một cách thật nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị và cấp chính quyền có liên quan khi để xảy ra những vi phạm. Nếu không làm được điều đó thì câu chuyện về những vấn nạn trên vẫn sẽ còn tiếp diễn

Thanh Hải
.
.
.