Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình:

Có thẩm phán còn nể nang, ngại chính quyền khi tuyên án

Thứ Bảy, 18/11/2017, 14:46
Sáng 18-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tại hội trường, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu về các nội dung: Hướng giải quyết vướng mắc trong các vụ việc Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm; nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; giải pháp công khai bản án nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử sơ thẩm và tiến độ xử lý các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm; giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trước tòa...

Án hành chính - thẩm phán còn nể nang, ngại chính quyền

Liên quan đến án hành chính, theo ĐB Lê Thị Nga chất vấn về các hạn chế: Thẩm phán còn nể nang, ngại với chính quyền nên có trường hợp thiếu khách quan, chưa công minh trong đánh giá chứng cứ; tỷ lệ án hủy, cải sửa cao; án xử chưa thi hành được. Đâu là giải pháp xử lý những hạn chế này?...

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời nêu rõ tỷ lệ tuyên án hành chính thấp, chỉ được tuyên 7%”. Tỷ lệ bị hủy sửa cao do lỗi chủ quan của án hành chính là 3%.

Nguyên nhân là do án hành chính tồn đọng kéo dài do có nguyên nhân từ quy định của luật. Trước đây do tòa án huyện xét xử vụ án cấp huyện, nhưng nay (từ 1/7/2017) đều chuyển lên tòa án nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tất cả các vụ án hành chính phải đáp ứng được hai yêu cầu. Trước hết, phải qua đối thoại - hòa giải, nếu chưa đối thoại thì tòa án nhân dân không xử lý. Thứ hai, phải có sự có mặt của Chủ tịch UBND cấp ban hành quyết định hành chính.

Hiện nay, 74% số lượng án hành chính liên quan đất đai. Đây là câu chuyện có nhiều ách tắc, không chỉ trình tự tố tụng, mà trình tự hành chính, luật pháp về đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Một số địa phương có số án hành chính nhiều, như tại TPHCM năm 2017 có trên 1.390 vụ án, Hà Nội có hơn 400 vụ án hành chính.

Nếu quy định Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó có mặt tại Tòa án để tham gia giải quyết, thì phải đánh giá lại quy định này sau 5 hoặc 10 năm thực hiện. “Vì khi lãnh đạo địa phương không có mặt tại Tòa thì phiên xét xử sẽ phải hoãn lại, hoãn nhiều sẽ tạo hình ảnh xấu”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình giãi bày.

Nguyên nhân chủ quan, theo Chánh án TAND Nguyễn Hoà Bình, do năng lực của thẩm phán. “Thực tế, đối với vụ án khó khăn thế này, thông thường, các thẩm phán né, do ngại với chính quyền nên xử sẽ né. Việc thuộc về trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực, thì TANDTC sẽ chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn và có nhiều phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định. 

Chưa đồng tình với trả lời của Chánh án, đại biểu Lê Thị Nga tranh luận: Điều 60, Luật Tố tụng hành chính đã nói rồi, có rất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, chứ cứ nói rằng không có thời gian để Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ra tòa thì không ổn. “Đề nghị Chánh án kiên quyết giải quyết vấn đề này và có giải pháp để giải quyết”, đại biểu Lê Thị Nga yêu cầu.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Số lượng vụ án khởi tố tại tòa còn khiêm tốn

ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chánh án làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà hội đồng xét xử các cấp khởi tố tại tòa để chống bỏ lọt tội phạm? Sau khởi tố, ngành tòa án có theo dõi các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không? Đến nay các vụ án do toà án khởi tố đạt kết quả thế nào?

Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, tòa có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố.

Tuy nhiên, dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Trong sự cân nhắc như vậy, hội đồng xét xử thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị viện kiểm sát và cơ quan điều tra khởi tố điều tra hơn là khởi tố tại tòa, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay, tòa án mới chỉ khởi tố 12 vụ tại tòa. Số lượng còn đang khiêm tốn và sở dĩ số lượng vụ khởi tố tại toà còn khiêm tốn là do sự thận trọng của các thẩm phán...

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, sau khi khởi tố tại tòa, trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi quyết định khởi tố. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố cũng hợp tác, mời tòa tham dự trong các vụ này.

Ông Nguyễn Hoà Bình dẫn chứng, quá trình xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Đại Dương (OceanBank), hội đồng xét xử đã kiến nghị khởi tố vụ án liên quan đến khoản tiền thất thoát của Tập đoàn Dầu khí PVN. Cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này.

Hay trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay tòa đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỉ. “Cách đây hai ngày, cơ quan điều tra đã họp với chúng tôi, đang điều tra theo hướng đó, có nhiều tài liệu bổ sung nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm ba bị can khác”, Chánh án TAND Nguyễn Hoà Bình thông tin.

Đã nỗ lực nhưng mới ban hành được 13 án lệ

Về án lệ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân giao Hội đồng thẩm phán Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn án lệ.

“Chúng tôi đã nỗ lực, nhưng hiện mới ban hành 13 bản án lệ”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, và “số lượng án lệ này còn khiêm tốn do công tác này mới thực hiện.  Nhưng Tòa án nhân dân đã có quy trình, thủ tục xây dựng án lệ, có Hội đồng quốc gia và chỉ thị toàn ngành chú ý xây dựng án lệ. Thẩm phán nào có vụ án tạo được án lệ sẽ được khen thưởng, bổ nhiệm, vì đã tạo chuẩn mực xét xử mới.

“Tôi rất tin trong tương lai, án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, vì thực tiễn có nhiều điều vướng mắc. Chúng ta không chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam, mà có thể áp dụng án lệ quốc tế”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội)

Có thẩm phán nể nang khi tuyên án

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) về điều tra bổ sung, “trả tới trả lui” nhiều lần, trong đó có vụ cá biệt trả đến 7 lần, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, “thực tế có tình trạng này, đến tháng 7-2017 đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung vì xét thấy có dấu hiệu chưa đủ bằng chứng kết tội, bỏ lọt tội phạm, hoặc bỏ sót tình tiết. 

Về nguyên nhân để xảy ra vụ án kéo dài thời gian xét xử, Chánh án TAND Tối cao cho biết, “nguyên nhân đầu tiên do chất lượng điều tra vụ án, chất lượng công tác công tố có vấn đề. Ngoài ra, về phía thẩm phán cũng có những thẩm phán không tuân thủ đúng quy định pháp luật, có nể nang khi tuyên án”. 

“Giải pháp của việc này không có cách nào khác là các cơ quan điều tra, truy tố phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, TAND Tối cao quán triệt các thẩm phán tuân thủ quy định pháp luật, không được trả quá nhiều lần.  Trong trường hợp không đủ yếu tố kết tội phải tuân nguyên tắc không đủ yếu tố kết tội” – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết.

Khẳng định Bộ luật Hình sự năm 2015 là “bước tiến dài về quy trình xét xử các vụ án hình sự”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu Tòa án trước khi trả hồ sơ điều tra bổ sung phải nêu rõ lý do và khi nhận lại sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu”.  

Chưa có giải pháp xử lí triệt để các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội

ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu thực trạng, hiện nay, số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài làm cho người lao động và cán bộ công đoàn rất bức xúc trong khi Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lợi ích chính đáng của người lao động không bảo đảm. Tuy nhiên, vừa qua các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị toà án trả lại. Nguyên nhân là gì và đâu là giải pháp để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện?

Trả lời câu hỏi nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiện còn 102.900 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội đã khởi kiện 8.840 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, trả lại 1.400 đơn…

“Vướng mắc hiện nay là quy định của luật giao bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt, sau khi kiểm tra xử phạt theo trình tự hành chính xong thì Tòa mới giải quyết. Tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng với quy định của quy trình tố tụng hiện hành” – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết.

Theo một số văn bản, Liên đoàn Lao động có quyền khởi kiện các doanh nghiệp. Thời gian qua, Công đoàn đã khởi kiện 138 vụ. Quá trình xét xử cũng vướng về một số quy định pháp lý. 

Đó là đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, nên thông tin ra trước Tòa để bảo vệ phần khởi kiện là không chắc chắn. Mặc dù kiện nhưng lại không bảo vệ được.  Do vậy có “vướng về mặt luật”, vì xem đây là kiện dân sự nên bên nguyên đơn và bị đơn bình đẳng với nhau. 

Theo nguyên tắc thì việc gì tốt ở đôi bên thì có quyền thỏa thuận. Trong trường hợp này thì công đoàn khởi kiện nhưng công đoàn lại không có quyền thỏa thuận về đóng bảo hiểm. Do đó, vụ án cũng không giải quyết được, Chánh án TAND Tối cao cho biết. 

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh

Trả lời về giải pháp tháo gỡ, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, “đây là thực tế nóng, muốn hay không thì cũng phải giải quyết, bởi nếu để nợ đọng bảo hiểm thì không bảo đảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hay đi khám bệnh. Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự, theo đó, sau ngày 1/1/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc thì coi là tội phạm.

“Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, Viện Kiểm sát truy tố thì trách nhiệm của Tòa án các cấp phải thụ lý. Trách nhiệm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là cũng có Nghị quyết - việc này đang được triển khai, ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bảo hiểm xã hội”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.      

Chưa đồng thuận với trả lời của Chánh án, các ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… tranh luận. “Việc khởi tố, điều tra vụ nợ, chiếm đoạt bảo hiểm là giải pháp có thể thu hồi, giảm bớt các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nhưng không phải giải pháp để thực hiện quyền khởi kiện của Công đoàn”, ĐB Trương Thị Bích Hạnh nói. 

Cùng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói rằng, “nếu nói như Chánh án thì dường như chúng ta đang áp dụng sai Hiến pháp”. Bởi lẽ, tại Điều 10 Hiến pháp và Điều 1, Luật Công đoàn 2013 đã quy định, Công đoàn đại diện cho người lao động. 

“Bây giờ chúng ta lại giải thích Công đoàn phải nhận giấy ủy quyền có đóng dấu và có chữ ký, công chứng - đây là quyết định có tính vi hiến”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói, “Hiến pháp là lớn nhất, không thể có quy định khác vượt Hiến pháp và không thể áp dụng quy định khác, đặt ra quy định khác được, “theo quan điểm của tôi là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xét xử, chứ không phải là đi khởi kiện”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. 

Có thể xử lý mặt hành chính, sai áp tài sản của doanh nghiệp, nhưng không phải buộc Công đoàn hay tổ chức nào, hay người lao động đứng ra khởi kiện trước Tòa án. 

Thu Thủy
.
.
.