Chắc thắng và quyết thắng

Thứ Ba, 10/03/2015, 10:25
Tròn 40 năm trước, chiến dịch Buôn Ma Thuột mở màn và giành thắng lợi có ý nghĩa cực kì quan trọng với đại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta. “Buôn Ma Thuột thất thủ” là một đòn sấm sét làm rung chuyển và báo trước sự cáo chung của chính thể Việt Nam Cộng hòa, một đòi hỏi của lịch sử để tiến tới mục tiêu “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Để đi tới quyết định tấn công, giải phóng Buôn Ma Thuột, trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khi đó đã luôn bám sát thực tế, diễn biến tình hình chiến trường, tương quan lực lượng ta – địch, cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế. Kiên định mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong chỉ đạo chiến lược, đồng thời linh hoạt trong chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật gắn với yêu cầu “chắc thắng và quyết thắng”. Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt trong chỉ đạo quân sự, chính trị và kinh tế từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị và nắm quyền lãnh đạo.

Năm 1944, ngay sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, yêu cầu “chắc thắng” đã được quán triệt, thực hiện  trong hai trận đánh đầu tiên vào đồn Khai Phắt và Nà Ngần.

Trong 10 năm sau, lịch sử nước ta đã có những bước ngoặt và thu được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giành chính quyền, kháng chiến và kiến quốc. Bước vào trận Điện Biên Phủ lịch sử, thực hiện huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc lên đường ra mặt trận: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị “tướng quân tại ngoại” và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã có những quyết sách sáng suốt để đảm bảo chiến thắng, đồng thời hạn chế sự hi sinh xương máu của bộ đội.

Với sự thay đổi từ chiến thuật “biển người”, “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, trận Điện Biên Phủ đã diễn ra trong “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, làm nên chiến thắng chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954.

Những thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, từ “Khe Sanh”, “Đường 9 Nam Lào”, “Mậu Thân 1968”, “Điện Biên Phủ trên không”,… đã dẫn tới việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Bước sang năm 1974, trước thời cơ hoàn thành sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.

Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại cuộc họp Bộ Chính trị (khai mạc ngày 18/12/1974), đã đưa ra nhận định(1): “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976.

Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua 8 lần dự thảo của Bộ Tổng tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975-1976, Bộ Chính trị dự kiến(2): “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Diễn biến lịch sử sau đó đã chứng minh những quyết sách tài tình, sáng suốt của ban lãnh đạo tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trở lại sự kiện Buôn Ma Thuột. Đây là mục tiêu được chuẩn y sau nhiều kế hoạch quân sự trước đó. Trong một cuộc họp Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, vị Tư lệnh Vũ Lăng đã hạ quyết tâm “chắc thắng”(3): “Chúng ta đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột trên ba hướng, hướng Bắc là chủ yếu, hướng Nam và Tây Nam là hướng quan trọng… Chúng ta tranh thủ tạo điều kiện để đánh địch theo phương án một; địch không có phòng ngự dự phòng…

Nhưng dù phải đánh theo phương án nào chúng ta cũng phải kiên quyết giành thắng lợi trong trận Buôn Ma Thuột vì đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch”. Thực tế chiến trường sau ngày mở màn 10/3/1975 đúng như nhận định và kế hoạch của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên; đặc biệt là kế hoạch nghi binh liên hoàn khiến đối phương hoàn toàn bất ngờ, bị động và liên tiếp mắc sai lầm cả về quân sự và chính trị.

Tròn 40 năm sau trận Buôn Ma Thuột, nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa và giá trị của tư tưởng “chắc thắng, quyết thắng”. Tư tưởng đó thể hiện nghệ thuật quân sự, nghệ thuật lãnh đạo chính trị, sự thận trọng và sáng suốt của Đảng, của những nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Tư tưởng đó cần được nhân lên trong thời đại ngày nay, khi chúng ta đang đứng trước những thách thức về bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ hòa bình và đặc biệt là xây dựng kinh tế, nhằm xây dựng đất nước ta giàu mạnh, sánh vai với các nước phát triển và văn minh trên thế giới.

- 1 & 2: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập Hồi ký (NXB QĐND năm 2006, tr 1234 – 1235)

- 3: Ký ức đời binh nghiệp (NXB QĐND năm 2012, tr 216)

An Khang
.
.
.