Đấu giá biển số xe được quy định thế nào trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ?

Thứ Năm, 23/04/2020, 17:36
Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ mà Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV, đó là quy định về đấu giá biển số xe, cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.

Theo dự thảo Luật thì công tác cấp biển số xe cơ giới sẽ được thực hiện trên hệ thống đăng ký, quản lý xe. Trong đó, sẽ cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá và cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.

Cụ thể, để cấp biển số thông qua đấu giá thì sẽ thành lập hội đồng đấu giá và thiết lập, vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá trực tuyến biển số xe. Người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số xe đó, không phải nộp lệ phí đăng ký cấp biển số xe ô tô.

Cấp biển số xe theo sở thích có thu phí tức là người có phương tiện sẽ được tự chọn biển số theo sở thích của mình (trừ các biển đã đấu giá) và trả tiền cho biển số đó.

Nói về điều này, lãnh đạo Cục CSGT cho biết đề xuất trên nhằm bổ sung các lựa chọn cho người dân trong việc đăng ký, cấp biển số; tạo ra sự cạnh tranh, công khai và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Được biết, việc đấu giá biển số xe đã được Cục CSGT (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993. Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Bình Thuận đã tổ chức đấu giá biển số xe nhưng do thiếu nhiều cơ sở pháp lý, nên đã tạm dừng hoạt động trên. 

Sau đó, Chính phủ có chủ trương giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và một số đơn vị liên quan xây dựng “Đề án cấp biển số xe ôtô thông qua đấu giá”.

Qua nghiên cứu, khảo sát, Cục CSGT đã tạm chia thành 5 nhóm biển số để đưa ra đấu giá: Nhóm thứ nhất là gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba là gồm 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư là số sau lớn hơn số trước. Và nhóm thứ năm là các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Vấn đề dư luận quan tâm là biển số mà người bỏ tiền ra để đấu giá sẽ gắn với chiếc xe hay gắn liền với người chủ của phương tiện, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, căn cứ vào pháp luật quy định hiện nay thì biển số xe ôtô là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước và Chính phủ có trách nhiệm khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.  Theo đó,  mỗi biển số xe chỉ được cấp cho 1 xe, do vậy mà những chủ phương tiện trúng đấu giá sẽ được sử dụng biển số đó cho xe của mình. Khi sang tên chuyển chủ nếu cùng một địa phương, thì vẫn được tiếp tục sử dụng biển số đó, còn khi mà sang địa phương khác thì phải thực hiện việc di chuyển sang tên theo quy định.  

Theo Đề án cấp biển số ô tô thông qua đấu giá thì để đảm bảo được công khai, minh bạch và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia được. Điều kiện bắt buộc thì mỗi người dân thì đều phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. 

Như vậy, nếu Luật đảm bảo TTATGT đường bộ đường Quốc hội thông qua, thì sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện đấu giá biển số “đẹp” và cấp biển có thu phí đáp ứng nhu cầu, sở thích của người dân, nộp tiền vào ngân sách nhà nước phục vụ mục tiêu chung.

Phương Thuỷ
.
.
.