Khai mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội:

Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá

Chủ Nhật, 01/11/2015, 11:33
Sáng nay (1/11), tại Cung văn hóa hữu nghị, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chính thức khai mạc.

Dự lễ khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười; Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh; Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; lãnh đạo Đảng, Nhà nước các Bộ, ban, ngành Trung ương, các đoàn đại biểu các tỉnh TP trực thuộc Trung ương... các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội.

Đoàn chủ tịch Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, được toàn Đảng và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, Đại hội đánh dấu chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV và sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ khoá XV đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Thế Thảo - Ủy viên trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV, khẳng định: Trong 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Toàn TP có 179/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (46,4%). Công tác dân số, gia đình được chú trọng, bảo đảm ổn định mức tăng dân số tự nhiên và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đến năm 2015, theo chuẩn chung của cả nước, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6%). Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được đẩy mạnh. Chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người được nâng cao.

Báo cáo chính trị cũng thẳng thắn đề cập tới những hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong giai đoạn vừa qua, trong đó có 7 hạn chế đáng chú ý cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Đơn cử, còn 4/19 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu tái cơ cấu kinh tế, hàm lượng chất xám, hội nhập kinh tế quốc tế chưa sâu, công tác quy hoạch và phát triển đô thị một số lĩnh vực chưa phát triển được theo yêu cầu của Thủ đô, trật tự kỉ cương phát triển chậm, văn hóa xã hội phát triển chưa theo yêu cầu ngày càng cao, chưa tương xứng với sự phát triển của Thủ đô, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, năng lực lãnh đạo của cấp ủy chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy hành chính chưa thực sự quyết liệt, một bộ phận cán bộ đảng viên chưa làm việc nhiệt tình, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, công tác vận động quần chúng còn hạn chế…

da
Các đại biểu dự Đại hội.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XV. Trong đó ngoài những thành tích thì báo cáo cũng cho biết: Trong phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc, công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, kiểm tra thực hiện các quy chế, quy trình công tác, kết luận của cấp ủy có mặt còn hạn chế. Việc kiểm tra, phát hiện, xem xét, xử lý một số vụ việc tham nhũng, lãng phí chưa chủ động, kịp thời. Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ; quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên ở một số cấp ủy, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức. Lãnh đạo thực hiện cải cách hành chính trong Đảng, chính quyền của một số cấp ủy có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý trách nhiệm cá nhân ở một số cấp ủy, đơn vị có sai phạm còn hạn chế; lãnh đạo phát huy dân chủ trong Đảng ở một số cấp ủy cơ sở, cấp ủy trực thuộc Thành ủy còn có biểu hiện hình thức, chưa phát huy đầy đủ trí tuệ tập thể trong việc ra quyết định của cấp ủy, chưa lắng nghe được hết các ý kiến phản biện tích cực, thẳng thắn, khách quan để kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, cơ chế, chính sách; Lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông có việc thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp. Việc lắng nghe, phân tích, phản biện, tiếp thu ý kiến góp ý, phê bình của báo chí và dư luận có lúc, có việc còn bị động, lúng túng.

Trong buổi sáng, Đại hội tiếp tục lắng nghe các tham luận của các đại biểu.

Chi Linh
.
.
.