Mới chỉ tìm thấy 1/64 hài cốt liệt sĩ biệt động trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Thứ Hai, 29/01/2018, 10:23
Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ biệt động hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 khi đánh vào 5 mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, thì đến nay cũng mới chỉ tìm được hài cốt của một đồng chí.


Ngày 28-1, Bộ Tư lệnh và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố; các nhân chứng lịch sử và đại diện nhiều cơ quan, đơn vị cùng nhiều nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Hội thảo đã nhắc lại ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố khẳng định, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã đóng góp vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự về chiến công to lớn và gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Từng nhiều năm dành thời gian tìm hiểu về lực lượng Biệt động và là người nghiên cứu lịch sử, Phó GS.TS Phan Xuân Biên cho biết, Biệt động Sài Gòn sinh ra từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến 1945. Sau khi miền Nam được giải phóng, lực lượng Biệt động Sài Gòn được giải thể, không còn trong biên chế của Quân đội.

Ngoài những người đã hy sinh trong chiến tranh, số còn lại đã ra quân, trở về cuộc sống đời thường. Do không còn cơ quan quản lý nên ít người biết lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa nay ai còn, ai mất và họ ở đâu. Đồng thời, vấn đề chính sách, đãi ngộ của lực lượng Biệt động cho đến nay còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Chung nỗi trăn trở này, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động Nguyễn Quốc Độ cho biết, điều ông trăn trở cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng Biệt động nhiều năm qua là 64 cán bộ, chiến sĩ biệt động hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 khi đánh vào 5 mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, thì đến nay cũng mới chỉ tìm được hài cốt của một đồng chí, 63 người còn lại tuy đã có nhiều nguồn thông tin nhưng vẫn chưa thể tìm được.

Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Độ bày tỏ mong muốn Nhà nước, Quân đội tìm cho được hài cốt các đồng chí, kể cả bằng con đường ngoại giao. Cơ quan chức năng vận dụng linh hoạt để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sỹ biệt động có công và tặng thưởng cho những cá nhân, tập thể còn chưa được ghi nhận.

Đ.Thắng
.
.
.