Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Cần phải hiến định sự trung thành của lực lượng vũ trang với Đảng

Thứ Năm, 28/02/2013, 14:42
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Điều 70 có ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”. Điều này là đúng thể hiện sự phát triển mới, phù hợp với tinh thần trong Cương lĩnh xây dựng nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), và đầy đủ hơn so với Điều 45 trong Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”.

Sự phát triển mới này là cần thiết, tuy về thực chất không có gì khác, bởi vì các điều 4, 44, 45, 46, 47, 48 trong Hiến pháp năm 1992 cũng đã thể hiện được sự trung thành của các lực lượng vũ trang nhân dân, của Quân đội và Công an với Đảng khi nói đến nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân.

Sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân cần phải được hiến định. Hiến pháp - đạo luật cơ bản - cần tiếp tục ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời ghi nhận sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.                                         

Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là hai mệnh đề song hành ngay từ khi các lực lượng vũ trang mới được thành lập đến nay. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong cuộc cách mạng của giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo. Công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, được phát triển từ những tổ chức tiền thân là các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh, do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, đã chứng tỏ lực lượng vũ trang nhân dân luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dân tộc Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam; và, các lực lượng vũ trang này đã chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng là sự ghi nhận, sự khẳng định một thực tế lịch sử, một hiện thực chính trị - xã hội, một tất yếu khách quan trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Mới đây, trong góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đưa ra kiến nghị: lực lượng vũ trang “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”; phải “bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đó là những luận điệu vô căn cứ, sai lầm về lý luận và không đúng với thực tiễn lịch sử. Không thể lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để làm thay đổi bản chất, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

Nếu nói rằng lực lượng vũ trang “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân” không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị nào, đảng phái nào, thì lực lượng vũ trang ấy mang bản chất nào, bản chất của ai? Hay là “không có bản chất”, “không có chính trị”! Đây là một kiểu nhằm đánh lừa người khác, chứ bản thân những người đưa ra các quan điểm trên cũng thừa hiểu lực lượng vũ trang phải mang bản chất chính trị và phải phục vụ cho ai. Đúng là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhưng chỉ có lực lượng vũ trang của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể thực sự làm tròn phận sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa của nó; và gắn bó chặt chẽ sự trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ, với Tổ quốc và nhân dân trong một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời

Ng.M.H.
.
.
.