Cần phải cảnh báo tình trạng tham nhũng chính sách
- Quốc hội thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV
- Đại biểu Quốc hội tranh luận nên lấy phiếu tín nhiệm 2 mức hay 3 mức?
Có tình trạng ăn cây táo rào cây sung?
Phát biểu trước Quốc hội sáng 26/3, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) nêu hiện tượng một số đại biểu biệt phái từ một số cơ quan Chính phủ “làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung”.
Góp ý thêm cho báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, bên cạnh những thành công, đại biểu Phùng Văn Hùng đã góp ý kiến nhỏ “liên quan đến một số đại biểu chuyên trách được biệt phái từ một số cơ quan của Chính phủ, đã tác động đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.
Theo đại biểu, ông cha ta có câu “ăn cây nào, rào cây ấy”, nhưng có một số đại biểu chuyên trách “làm việc cho Quốc hội mà lại không ăn cơm Quốc hội”. Điều này dẫn đến mâu thuẫn lợi ích.
Đại biểu Phùng Văn Hùng. |
Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, việc đề bạt, cân nhắc (của một số đại biểu “không ăn cơm Quốc hội” nói trên) vẫn do cơ quan Chính phủ quyết định, làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội? Do đó, đại biểu đề nghị những người được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách đại biểu được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác, để phòng ngừa tình trạng trên.
Tăng cường thời lượng thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), Quốc hội cần quan tâm nghiên cứu thêm về vấn đề hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.
Đại biểu cho biết, về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, mặc dù thực tế Đảng, Chính phủ các cấp đã rất tích cực xử lý đơn thư nhưng theo bà đại biểu, vẫn còn những vụ việc kéo dài, rất nhiều vụ việc đã có các văn bản ngừng tiếp nhận đơn, thư của các cấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn, ý kiến và không muốn ra tòa. Bà đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa; nghiên cứu thêm các giải pháp hiệu quả hơn để không làm lãng phí thời gian của người người dân, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cũng tạo thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Quốc hội nên định hướng tăng cường cân đối thêm thời lượng và phân bổ thời gian thêm để thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho các vấn đề quan trọng của đất nước ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, các mô hình tăng trưởng, các chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước, các vấn đề cạnh tranh kinh tế, tài chính, địa chính trị, các vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với một quốc gia, một dân tộc.
Cũng đồng quan điểm trên, đại biểu Phùng Ngọc Hùng (Cao Bằng) kiến nghị về việc phải tăng cường minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thì ai giám sát Quốc hội. Đó chính là người dân. Để tạo điều kiện cho người dân giám sát thì các hoạt động của Quốc hội cần được công khai, minh bạch nhiều hơn nữa thông qua báo chí”, đại biểu Phùng Ngọc Hùng nói và cho biết, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn được theo dõi hoạt động của Quốc hội nhiều hơn nữa, nhưng các hoạt động được tường thuật trực tiếp còn quá khiêm tốn.
Có hay không tình trạng tham nhũng chính sách
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu băn khoăn về chất lượng các đạo luật được thông qua và khái niệm tham nhũng chính sách. Cụ thể, bà cho rằng, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua những đạo luật bảo đảm chất lượng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, “có thể nhận thấy có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. |
Tham nhũng chính sách có thể hiểu là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, hành vi này cực kỳ nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống. Ví dụ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả, thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Và điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua, thì vẫn còn đến ¼ số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, có thể liên quan đến tham nhũng chính sách đó là các quy định liên quan đến quản lý đất đai, bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình thủ tục, phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.
Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là “tham nhũng chính sách”, đại biểu đề nghị, đề cao chất lượng khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra. Cụ thể, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân. Sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả chi phí phi chính thức.
Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắc Lắc) cho rằng không có tham nhũng chính sách.