Cần nhanh chóng khắc phục khuynh hướng “thương mại hoá” báo chí

Thứ Tư, 21/06/2006, 08:51
Trong các chỉ thị, thông tri, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo cáo, tổng kết của các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí luôn đề cập đến sai phạm kéo dài của một số báo chí chậm được khắc phục đó là khuynh hướng “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Đâu là nguyên nhân và cách khắc phục?

Báo hiện nay gồm: Báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử và các loại tạp chí luôn luôn là phương tiện, vũ khí cực kỳ quan trọng trên trận địa tư tưởng văn hóa, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ca ngợi tập thể tốt, người tốt việc tốt, chống các quan điểm sai trái, thù địch, các hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, chống cái ác, đồng thời nâng cao dân trí... góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng con người mới và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Tuy vậy, trong quá trình đổi mới, bị thị trường tác động, báo chí đã có những biểu hiện sai trái, lệch lạc... mà  điển hình là xu hướng “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích.

Về vấn đề này, ngày 31/3/1992, Chỉ thị 08-CT/TW của Bộ Chính trị Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản, phần đánh giá những khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài của báo chí, xuất bản đã nhận định: “...khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần khá nặng nề dẫn tới đua nhau đăng và phát những tin, bài, hình ảnh giật gân, câu khách...”.

Hơn 5 năm sau, ngày 17/10/1997, Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản ra đời. Chỉ thị cũng nêu: “...Một bộ phận báo chí, xuất bản bị khuynh hướng thương mại hóa và cơ chế thị trường chi phối chạy theo thị hiếu tầm thường, đăng tải những chuyện giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín, dị đoan hoặc những chuyện vụn vặt...”.

Bốn năm sau, ngày 25/12/2001, Thông tri số 01-TT/TW của Ban Chấp hành Trung ương ra đời với nội dung Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về công tác báo chí - xuất bản, trong đó vẫn nêu: “...khuynh hướng “thương mại hóa” và tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích vẫn chậm được khắc phục...”.

Thông báo số 33-TB/TW Thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí - xuất bản ngày 3/6/2003 tiếp tục nêu: “Biểu hiện tập trung của mặt tiêu cực trong hoạt động báo chí, xuất bản là tình trạng thương mại hóa và xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ chậm được ngăn chặn, khắc phục...”.

Thông báo số 162-TB/TW Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình hiện nay, ngày 1/12/2004, trong phần đánh giá thiếu sót, khuyết điểm kéo dài, chậm được khắc phục của báo chí vẫn khẳng định: “Nhiều tờ báo bị khuynh hướng “thương mại hóa” chi phối, hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích”.

Thông báo số 173-TB/TW, Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, trong mục Về thực trạng thông tin ở nước ta, ngày 28/3/2005 nêu: “Xu hướng thương mại hóa, tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin mang tính giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường chưa được khắc phục".

Nguyên nhân của khuynh hướng “thương mại hóa”, các chỉ thị và kết luận nêu trên cho rằng, do tác động của cơ chế thị trường, một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, hoặc do trình độ nhận thức chính trị yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền và cơ quan chủ quản chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong đời sống xã hội, nên chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý và chỉ đạo báo chí của cấp mình. Sự phân công cán bộ phụ trách báo chí  trong nhiều cơ quan chủ quản chỉ mang tính hình thức và chưa đúng tầm.

Vì vậy, không chỉ đạo chặt chẽ từ  công tác cán bộ tới công tác thi đua, khen thưởng và xử lý nghiêm những vi phạm... Công tác chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước về báo chí còn chồng chéo, lỏng lẻo, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra và xử lý những hành động tiêu cực, những vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, có biểu hiện nể nang, né tránh...

Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng khá đầy đủ như vậy, nhưng vì sao hơn 13 năm qua, tình trạng “thương mại hóa” vẫn không được khắc  phục, thậm chí ngày càng gia tăng? Tác giả bài viết này xin nêu một số ý kiến sau:

Thứ nhất: Thiết nghĩ đến nay vẫn còn một số nhà báo chưa nhận thức đầy đủ thế nào là “thương mại hóa” báo chí. Không ít ý kiến  cho rằng, hiện nay  nhiều tờ báo phải tự hạch toán để nuôi bộ máy, duy trì và đầu tư để tờ báo phát triển, nguồn thu chủ yếu của tờ báo là tiền bán báo và quảng cáo, nên phải cải tiến nội dung, hình thức để bán được nhiều báo.

Báo chí được coi gần như là hàng hóa và hoạt động trong cơ chế thị trường thì việc thương mại hóa là tất yếu, khách quan. Họ cho rằng, “thương mại hóa” báo chí không phải là xấu, mà phải đánh giá công bằng, thương mại hóa cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực. Vì vậy, có cơ quan báo chí, có nhà báo vẫn chậm khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”.

Thứ hai: Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo, đài có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Có cán bộ trước khi được đề bạt chức  danh lãnh đạo các cơ quan báo chí chưa qua những khóa đào tạo đầy đủ về chính trị, nghiệp vụ và công tác quản lý báo chí. Các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí chưa kiên quyết không đề bạt những người chưa đủ điều kiện mà cơ quan chủ quản đề nghị. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm 5 năm một lần, cũng chưa chặt chẽ. Có cán bộ để sai phạm kéo dài, chậm khắc phục nhưng chưa bị xử lý kịp thời, nghiêm khắc.

Thứ ba: Lâu nay vai trò cấp ủy trong các cơ quan báo chí không được thể hiện đầy đủ trong việc hoạch định kế hoạch xuất bản và giám sát hoạt động của tờ báo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân một số tờ báo có sai phạm kéo dài mà chậm được khắc phục.

Các biện pháp khắc phục sai phạm của báo chí được nêu rất cụ thể trong các  chỉ thị, thông tư, kết luận của Đảng, nhưng việc thực hiện thế nào cũng chưa có tổng kết, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Nguyên nhân cũng rất quan trọng là phương thức lãnh đạo và quản lý báo chí hiện nay cũng chậm được đổi mới mạnh mẽ để phù hợp với sự phát triển của công nghệ làm báo, trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, sự phát triển, đổi mới và dân chủ xã hội, nhất là khi Chính phủ đã cho phép thành lập mô hình “tập đoàn báo chí”, “tổ hợp xuất bản”.

Thiết nghĩ một khi còn có cơ quan báo chí, người làm báo chưa đánh giá đúng bản chất của thương mại hóa báo chí để kiên quyết từ bỏ, và các cơ quan chức năng chưa thật sự vào cuộc  mạnh mẽ thì tinh thần các chỉ thị, văn bản nêu trên vẫn chưa thành hiện thực một cách đầy đủ. Hiện nay, xu hướng thương mại hóa không những chậm được khắc phục mà còn có xu hướng gia tăng, tác động không có lợi vào việc thực hiện các chức năng tuyên truyền, cổ động tổ chức của báo chí và mong muốn của bạn đọc.

Trình độ của công chúng ngày càng cao hơn. Họ không thể bỏ tiền ra để mua những thông tin vô bổ, không chính xác, nếu không có biện pháp khắc phục những sai phạm nêu trên các báo sẽ mất dần uy tín với bạn đọc. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng toàn diện, báo chí cần đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể, nhanh chóng khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”

Thùy Dương
.
.
.