Cần làm rõ hành vi gây nhiễu chính sách Nhà nước về bất động sản

Thứ Năm, 28/03/2013, 07:25
Chúng tôi cho rằng, việc sử dụng khái niệm “cứu bất động sản” là sai lệch chủ trương của Chính phủ. Gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ đồng nhằm vào đối tượng nào, cần phải xác định rõ. Chính phủ không sử dụng gói 30 nghìn tỉ để hỗ trợ bất động sản, hay cứu bất động sản như nhiều thông tin đưa.

Liên tục trong thời gian từ cuối năm 2012 tới nay, trên nhiều diễn đàn, cụm từ “giải cứu bất động sản” xuất hiện nhan nhản và nó trở thành điệp khúc được nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) vin vào để biện luận về chính sách của Chính phủ trước tình trạng BĐS hiện hành. Tuy nhiên, khi chúng tôi rà soát lại các văn bản liên quan, không hề văn bản nào của Nhà nước có từ “giải cứu bất động sản”... Điều này cũng nhiều lần được lãnh đạo bộ chức năng lưu ý, việc tùy tiện nói Chính phủ dùng nguồn vốn giải cứu bất động sản là sai sự thật, gây tâm lý không tốt và ảnh hưởng nhiều mặt.

Đầu năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013, nhiều diễn đàn đồng loạt đưa tin, Chính phủ đã quyết định dùng Nghị quyết 02 để cứu bất động sản, cứu thị trường tài chính, nhà đất vốn đang rất ảm đạm. Việc đưa ra các ý trên làm nhiễu loạn thông tin về chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản, gây ra những hiệu ứng không tốt trong đời sống xã hội.

Thực tế, Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013 của Chính phủ không có nội dung nào đề cập chuyện “giải cứu” thị trường bất động sản, không có gói kích cầu, rót vốn “cứu” bất động sản. Nghị quyết 02 của Chính phủ quy định một số chính sách mới với 3 nhóm: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thể mua, thuê và thuê mua nhà để ở phù hợp với thu nhập chính đáng.

Thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều thông tin gây nhiễu loạn.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định mức lãi suất ưu tiên 6%/năm trong 3 năm là phù hợp và sẽ không tăng thêm hạn mức cho gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản, hiện nay là 30.000 tỷ đồng. Theo đó, NHNN khẳng định chỉ có người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 mới nằm trong diện được vay ưu tiên. Đối tượng mua nhà ở xã hội chưa nằm trong lần xem xét này.

Mặc dù quy định của Chính phủ và dự thảo Thông tư của NHNN như vậy nhưng trên nhiều diễn đàn bất động sản, hàng loạt ý kiến cho rằng, Chính phủ tung gói kích cầu trị giá 30 nghìn tỉ đồng để cứu bất động sản, nhằm giúp thị trường này “phá băng”. Từ suy luận đó, nhiều bài phản biện nói rằng, rót 30 nghìn đồng cứu bất động sản tức là “cứu nhà giàu”, “cứu doanh nghiệp”, từ đó đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả của nguồn vốn mà Chính phủ bỏ ra.

Chúng tôi cho rằng, việc sử dụng khái niệm “cứu bất động sản” là sai lệch chủ trương của Chính phủ. Gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ đồng nhằm vào đối tượng nào, cần phải xác định rõ. Chính phủ không sử dụng gói 30 nghìn tỉ để hỗ trợ bất động sản, hay cứu bất động sản như nhiều thông tin đưa. Ở đây có sự nhầm lẫn lớn về đối tượng được hỗ trợ. Nếu nói 30 nghìn tỉ hỗ trợ, cứu bất động sản, tức đối tượng nhằm vào thị trường bất động sản, vào doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, thực chất của chủ trương Chính phủ là nhằm hỗ trợ người nghèo, người chưa có nhà ở có điều kiện thuê, mua nhà bằng gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ. Tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp có nhà ở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta và được đưa ra từ nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có điều kiện thực hiện đồng bộ do giá bất động sản quá đắt đỏ. Khi thị trường này trầm lắng, giá bất động sản hạ xuống, giao dịch ít, thì đây là điều kiện tốt nhất để người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở.

Hướng dẫn mới nhất của NHNN cho rằng, dự thảo Thông tư quy định rõ, việc cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm do ngân hàng xem xét, quyết định. Ngoài ra, các quy định về giao dịch bảo đảm đã đầy đủ quy định về các tài sản và hình thức bảo đảm, vì vậy nếu chỉ quy định bảo đảm bằng chính căn nhà mua hoặc dự án đang xây dựng vào Thông tư là không đầy đủ và có thể hạn chế việc tiếp cận vốn của khách hàng.

Đối với một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm nội dung đã được quy định trong Nghị quyết 02 như đề nghị cho vay ưu đãi với những căn hộ dưới 80m2, thay vì tối đa 70m2; thời hạn cho vay hỗ trợ là 20 năm, thay vì 10 năm; mua đất nền, mua nhà riêng lẻ trong khu dân cư cũng nằm trong đối tượng được vay hỗ trợ..., NHNN chuyển cho Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ theo chức năng. Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại việc không quy định tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp vay nhiều hơn. Tuy nhiên, theo NHNN, việc quy định cụ thể tỷ lệ, ví dụ 65% cho doanh nghiệp và 35% cho cá nhân, hộ gia đình trong Thông tư là không khả thi.

Thực tế, để gói 30 nghìn tỉ của Nhà nước đến đúng đối tượng cần vay mua nhà còn là quá trình không đơn giản. Rất nhiều lo ngại việc thủ tục hành chính lòng vòng, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực khi người nghèo tiếp cận được nguồn vốn. Thêm nữa, dù lãi suất chỉ 6%/năm, nhưng một căn hộ ở Hà Nội ít nhất cũng 1-2 tỉ đồng, đồng nghĩa lãi suất 60-120 triệu/năm. Người thu nhập thấp, thu nhập trung bình để trả được số tiền lãi 60-120 triệu đồng mỗi năm là bài toán quá khó, chưa kể để họ tiếp cận được nguồn vốn đó, còn phải “đi vòng” như thế nào

Đăng Trường
.
.
.