Cần chuẩn bị kỹ những thách thức, khó khăn khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Thứ Hai, 05/11/2018, 15:40
Sáng 5-11, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), cùng các văn kiện liên quan. Nội dung này Quốc hội đã được nghe Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ vào chiều ngày 2-11.

Tại hội trường, các đại biểu đã thảo  luận về sự cần thiết việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP; kế hoạch, lộ trình, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước có liên quan đến nội dung này; các chính sách ở trong nước hỗ trợ đối với đối tượng chịu ảnh hưởng từ việc thực thi hiệp định...

Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhắc lại những cơ hội quý giá do hiệp định mang lại như cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại. 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.

Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân; đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá.

“Cùng việc phê chuẩn, tôi đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả, ít nhất phải đáp ứng 3 yêu cầu là có đầy đủ chính sách, pháp luật cần thiết; phải dự kiến được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan; bên cạnh đó, cần hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu..

Đại biểu Hoàng Thị Hoa  (Bắc Giang) đề nghị khi phê chuẩn hiệp định này, Chính phủ cần tăng cường tận dụng các cơ hội để phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.

Đại biểu nhấn mạnh đến việc cần đổi mới đầu tư cho văn hóa, quan tâm phát triển công nghiệp sáng tạo vì đây là nguồn lực của sức mạnh mềm, xuất phát từ văn hóa với các giá trị về mặt chính trị gồm hệ tư tưởng, thể chế, các chính sách đối nội, đối ngoại, các chính sách xây dựng nền kinh tế phát triển, đảm bảo hiệu ứng tốt cho lan tỏa, tạo sức hút của các quốc gia đối với các quốc gia cộng đồng khác. Chính sách ngoại giao là công cụ hiệu quả để tạo ra sức hấp dẫn cho một quốc gia nếu chính sách đó được coi là có uy tín và kèm theo các giá trị về đạo đức.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tham gia 3 ý kiến, đó là Chính phủ cần có bước chuẩn bị về nguồn nhân lực để đi trước, đón đầu trước những thách thức về năng suất lao động, tiền lương thu nhập. Thứ 2 là về lao động thì cần dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em. Thứ 3 là về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp  bên cạnh tổ chức công đoàn mặc dù đây là vấn đề rất khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Đại biểu Hoàng Văn Cường  (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ xem chúng ta hành động như thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Đại biểu Tô Ái Vang  (Sóc Trăng) thì cũng có quan điểm giống đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đề nghị sửa đổi Bộ Luật Lao động hiện hành về công đoàn theo hướng cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng bên cạnh những thuận lợi, thời cơ mang lại, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ. Đó là sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn của Việt Nam. Sau khi các điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính.

Thu Thủy
.
.
.