Cán bộ tín dụng phải gần dân nắm bắt nguyện vọng của người vay vốn

Thứ Ba, 17/10/2017, 07:53
Chiều 16-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.


Theo báo cáo do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng trình bày, vốn tín dụng chính sách trong 15 năm qua (2002-2017) đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách.

Chương trình đã giúp cho trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập.

Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN

Mạng lưới hoạt động của NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh, 631 phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Ngoài ra, còn hệ thống hơn 187.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết quả mà NHCSXH đạt được trong 15 năm qua có nhiều ý nghĩa trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương khi ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của các chính sách tín dụng xã hội, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh Ngân hàng chính sách hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của NHCSXH phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, bất cập hiện nay để tiếp tục công việc "nặng nhọc và ngày càng khó khăn" của mình.

Chính sách tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng cho xã hội. Chính vì vậy, cán bộ làm tín dụng, hệ thống tín dụng, chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

"NHCSXH và hệ thống các chi nhánh cần phải tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro và để các hộ nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới" - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, đối tượng chính sách; điều chỉnh chính sách tín dụng, mức cho vay phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước... cần chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và có chính sách cho vay vốn ưu đãi, ổn định đời sống cho người dân, góp phần vào mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo bền vững.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của NHCSXH nhằm biểu dương, tôn vinh những thành tích xuất sắc mà Ngân hàng đã đạt được những năm qua. Ngoài ra, 20 tập thể, trong đó có UBND TP Hà Nội và 9 cá nhân triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

PV (TTXVN)
.
.
.