Cấm lợi dụng việc cư trú để cản trở người dân tiếp cận dịch vụ thiết yếu

Thứ Sáu, 04/09/2020, 16:19
Dự thảo Luật đã quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.


Chiều 4-9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Trình  bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã nêu một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức quan tâm. Trong các vấn đề Uỷ ban Pháp luật nêu, thì vấn đề được nhiều người quan tâm đó là các quy định cấm, quyền cư trú của công dân và trách nhiệm của chủ hộ…

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cấm cơ quan, đơn vị cản trở việc tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thì qua khảo sát, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm các cơ quan, tổ chức yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú; cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu của người dân.

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, Luật Cư trú chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, việc đăng ký, quản lý cư trú. Trong dự thảo Luật không có quy định nào yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ quy định công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú trong trường hợp bản thân có yêu cầu. Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu công dân phải xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm cơ sở thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự vẫn còn tương đối phổ biến. 

Do đó, dự thảo Luật đã quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (khoản 2 Điều 8). Đồng thời, cùng với việc thông qua Luật này và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành để sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện các thủ tục, giao dịch.

Công dân có quyền truy cập tra cứu thông tin hay không?

Về điều 9 của dự thảo Luật quy định quyền của công dân về cư trú, Chủ  nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của công dân; công dân có được truy cập vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, được trích xuất dữ liệu về cư trú hay không. Ý kiến khác đề nghị cần quy định theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho công dân khi có yêu cầu cấp giấy tờ xác nhận về cư trú để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến người dân khi chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới.

UBTVQH nhận thấy, Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia được giao cho Bộ Công an thống nhất quản lý, được xây dựng để phục vụ công tác quản lý về cư trú. Một số thông tin cơ bản về cư trú của công dân sẽ được kết nối liên thông, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác của Bộ, ngành, địa phương để thực hiện yêu cầu quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. 

Do đó, để bảo đảm yêu cầu về an toàn vận hành hệ thống, về bảo đảm bí mật thông tin, dữ liệu cá nhân của công dân, chỉ có cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mới có thể truy cập, khai thác thông tin trực tiếp từ các cơ sở dữ liệu này. Khi muốn tra cứu thông tin về nơi cư trú của công dân, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, các cổng dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương hoặc yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền truy cập, cung cấp thông tin hay yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú cấp giấy tờ xác nhận về cư trú khi cần thiết (để sử dụng thay cho Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hiện nay). 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quyền của công dân được tiếp cận, khai thác thông tin về cư trú của mình và tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi có yêu cầu về cấp giấy tờ xác nhận về cư trú, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bảo đảm quyền của người dân được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu cấp giấy tờ xác nhận về cư trú như thể hiện tại khoản 3 Điều 9.

Chủ hộ có trách nhiệm gì?

Về trách nhiệm của chủ hộ, hộ gia đình về cư trú (Điều 11), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa lại tên Điều 11 từ “Chủ hộ” thành “Trách nhiệm của hộ gia đình về cư trú” để bảo đảm bao quát hơn và phù hợp với nội dung đã giải thích về “hộ gia đình” tại khoản 6 Điều 2 của dự thảo Luật; đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ hộ và các thành viên của hộ gia đình trong việc thực hiện quy định của pháp luật về cư trú.

Có ý kiến cho rằng, quy định việc “thống nhất đề cử” chủ hộ trong thực tiễn rất khó xác định; quy định trường hợp gia đình không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người đủ 18 tuổi nhưng không có năng lực hành vi dân sự thì chủ hộ là người được các thành viên gia đình thống nhất đề cử là khó thực hiện, chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

UBTVQH thấy rằng, khi hộ gia đình có nhiều thành viên thì việc thống nhất đề cử một người làm chủ hộ là cần thiết nhằm bảo đảm quyền của các thành viên trong hộ gia đình được thể hiện ý chí của mình thông qua việc lựa chọn người đại diện phù hợp; về mặt thủ tục, trên tờ khai thay đổi thông tin cư trú sẽ có nội dung để thể hiện việc lựa chọn chủ hộ là ý chí chung của thành viên trong hộ. Để xử lý một số trường hợp hết sức ngoại lệ như đại biểu Quốc hội đã nêu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thẩm quyền xác định chủ hộ của Tòa án trong trường hợp các thành viên hộ gia đình không thống nhất được việc đề cử chủ hộ tại khoản 2 Điều 2.

Thu Thuỷ
.
.
.