Cải tiến, đổi mới để thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp

Thứ Bảy, 14/03/2020, 07:05
Hội nghị trực tuyến “3 trong 1”: Sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đã diễn ra chiều 13/3, với sự tham dự của khoảng 1.700 đại biểu tại các điểm cầu truyền hình trên toàn quốc.


Chỉ sau 3 tháng đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương (đã có gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái).

Hiện nay, đã thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe gắn máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến KT-XH hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.

Phát biểu tại Hội nghị, biểu dương nỗ lực của một số bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ công chức và người làm thủ tục. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp góp phần phòng chống dịch bệnh.

Cái gì có lợi cho người dân thì chúng ta nên thực hiện, có lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí thì chúng ta nên quan tâm, Thủ tướng nói và biểu dương một số bộ, ngành gồm Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, An Giang, Khánh Hòa, Yên Bái... và Tổng cục Thuế, Hải quan, CSGT đã có nhiều nỗ lực để có được những kết quả hôm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu ra một số vấn đề như “người ta lấy hồ sơ, giấy tờ bị phạt ở đâu hay có bảo đảm bí mật đời tư khi mà đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia hay không?”. Các vấn đề này cần tính toán chặt chẽ, cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ.

Chúng ta không chỉ dừng lại ở những kết quả đã làm được, mà cần phải thực sự cải tiến, đổi mới để chất lượng tốt hơn, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng nói.

Cần tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp nhận, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng đối với các dịch vụ công đã tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng thời, thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ.

Với các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố như nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và thu phí, lệ phí trước bạ ôtô, xe máy; kê khai và thu thuế doanh nghiệp,… Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện và triển khai toàn quốc trước ngày 30/62020.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Bộ, ngành liên quan; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành chưa hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm hoàn thành kết nối ngay trong tháng 3/2020.

Bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

 Bày tỏ vui mừng được xem trình diễn ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ với nhiều cấu phần quan trọng phục vụ trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính, nhất là việc tích hợp các chỉ tiêu KT-XH được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24-2-2020.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cần được cập nhật đầy đủ, thể hiện qua thông tin dữ liệu, đồ thị, hình ảnh minh họa, phải rất trực quan, sinh động, thể hiện những vấn đề kinh tế-xã hội “nóng” cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo.

PV ( Theo Chinhphu.vn)
.
.
.