Cái nhìn định kiến đối với Việt Nam về tự do tôn giáo

Thứ Năm, 25/11/2010, 14:35
Dù báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ quy chụp Việt Nam “sử dụng vũ lực thái quá đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo" nhưng mục sư Roberts lại cho rằng những người Cộng sản Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Ông khẳng định sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại Diễn đàn tín ngưỡng toàn cầu đã nói lên sự tôn trọng của Chính phủ Việt Nam đối với tự do tôn giáo.

Trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2010 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chiều 17/11 (giờ Washington), phần về Việt Nam, theo trích thuật của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), tuy đã thừa nhận "có những cải thiện đáng kể trong một số lĩnh vực", nhưng  vẫn cho rằng còn "tồn tại một số vấn đề đáng kể, trong đó có việc các giới chức chính quyền địa phương sách nhiễu và sử dụng vũ lực thái quá đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo"...

Cần nói ngay rằng đó là  "những đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam", như người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta khẳng định chiều 18/11, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đây không phải là lần đầu tiên một phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế có những đánh giá không khách quan như vậy về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Đó là điều không khó hiểu, vì những đánh giá như vậy không chỉ dựa trên những thông tin sai lệch mà còn xuất phát từ cách nhìn bị chi phối bởi định kiến chính trị.

Rõ ràng là quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và luôn được tôn trọng, được bảo đảm và được thực thi trong thực tế. Nhưng bao nhiêu năm nay, chưa năm nào Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận tự do tôn giáo được tôn trọng tại Việt Nam.

Không thể nói rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo khi trên 80% dân số, tức là cả sáu, bảy chục triệu người, có tín ngưỡng; và, quan trọng hơn, họ được hoàn toàn tự do hành đạo theo đức tin của mình. Ngay cả báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2010 của Bộ Ngoại giao Mỹ, dù có nhắc đến sự tồn tại của "một số vấn đề" mà họ gọi là "đáng kể", cũng vẫn phải thừa nhận, bằng giấy trắng mực đen,  rằng ở Việt Nam có những buổi lễ tôn giáo được tổ chức rộng khắp, với quy mô toàn quốc, có sự tham dự của hàng chục ngàn người.

Đại lễ cung nghênh ngọc xá lợi phật tại chùa Bái Đính.

Cũng cần hiểu rằng mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam, cũng giống như ở nhiều quốc gia khác,  dẫu là tự do,  vẫn phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, nghĩa là phải theo đúng những quy định của luật pháp Việt Nam. Việc hành đạo, truyền đạo... trái với quy định của pháp luật hoặc hoạt động của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đương nhiên không được phép; hoặc các hành vi vi phạm pháp luật của mọi công dân, dù họ là chức sắc hay tín đồ của một tôn giáo, đều phải bị xử lý theo luật định. Đó là điều bình thường ở một quốc gia có luật pháp.

Không thể dẫn ra một vài vụ mà ở đó người ta lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tập hợp và kích động tín đồ một tôn giáo thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, khiến các lực lượng chức năng buộc phải can thiệp và xử lý theo pháp luật những phần tử quá khích, cố tình chống lại người thi hành công vụ..., để nói rằng chính quyền "sách nhiễu" hoặc "sử dụng vũ lực thái quá" với hàm ý tố Việt Nam ngăn cản tự do tín ngưỡng.

Cách làm đó trước hết không phản ánh đúng bản chất của vấn đề (do người ta chỉ căn cứ vào hiện tượng, lại dựa trên những thông tin sai lệch), đồng thời cũng thể hiện một tư duy được "lập trình" theo định kiến có sẵn, nên thiếu khách quan, trong việc nhận xét, đánh giá một sự việc cụ thể, dẫn đến việc nhìn nhận méo mó về tình hình tự do tôn giáo ở một quốc gia.

Cứ theo báo cáo của  Bộ Ngoại giao Mỹ, hay nói chính xác hơn là theo cách nhìn của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì ở Việt Nam chưa hoàn toàn có tự do tôn giáo. Thế nhưng mục sư Bob Roberts, người đứng đầu Nhà thờ Tin Lành Northwood ở Southlake thuộc bang Texas của Mỹ, lại không nhìn nhận như thế.

Thừa nhận và trân trọng một thực tế là ở Việt Nam có tự do tôn giáo, mục sư Bob Roberts đã mời Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng tham dự Diễn đàn tín ngưỡng toàn cầu, một diễn đàn quy tụ nhiều đại diện các tôn giáo lớn, trong đó có Hồi giáo, Do Thái, Tin Lành và Cơ Đốc giáo, mà Đại diện Văn phòng tôn giáo của Nhà Trắng cũng tham dự (diễn ra từ ngày 11 đến 14/11/2010). Đại sứ Lê Công Phụng không chỉ tham dự mà còn được mời tham gia chủ tọa diễn đàn, mặc dù Việt Nam  không phải là một chủ đề trong chương trình nghị sự của diễn đàn.

Phát biểu nhân dịp này, theo tin của TTXVN, mục sư Roberts đã dành một tình cảm trân trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Ông nêu rõ rằng những người Cộng sản Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với hơn 80% dân số có tín ngưỡng. Ông khẳng định rằng đơn thuần sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại diễn đàn đã nói lên sự tôn trọng của Chính phủ Việt Nam đối với tự do tôn giáo.

Còn có thể nói gì hơn nữa?

Xin cảm ơn mục sư Roberts đã nói hộ chúng ta

N.Q.U. (Bài đăng trên Chuyên đề ANTG tuần số 1013)
.
.
.