Cải cách thủ tục hành chính: Tiện ích khi làm trực tuyến

Thứ Sáu, 10/11/2017, 09:58
Chỉ đạo rút ngắn 10% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là chủ trương được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành ngay từ đầu năm 2017.

Riêng đối với lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh quyết tâm cắt giảm tối thiểu 20% thời gian thực hiện TTHC liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất tại các cơ quan nhà nước; giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư so với quy định của Trung ương.

Không riêng gì tại Quảng Bình, chúng tôi ghi nhận tại một số địa phương thì thấy, nếu nâng cao hơn nữa việc làm TTHC trực tuyến, người dân và doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều tiện ích hơn từ nỗ lực cải cách TTHC của Chính phủ hiện nay.

16h30 ngày 3-11, có mặt tại phòng “một cửa liên thông” của UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi vẫn thấy người dân đến đây làm các TTHC. Ông Võ Trung Thành, xã Võ Ninh, một người dân từng tham gia đối thoại với lãnh đạo UBND huyện cho biết, thông qua đối thoại, nhiều vấn đề khúc mắc của người dân được giải đáp. Cũng nhờ đó, ông biết rõ hơn về hoạt động của phòng “Một cửa liên thông” nên khi cần làm TTHC cứ đến trong giờ làm việc chứ không phải nhấc nhổm đi sớm và đi lại nhiều cơ quan như trước đây.

Làm thủ tục trực tuyến là một trong những hình thức để đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trước đó, chiều 2-11, tại phòng “Một cửa liên thông” của UBND thành phố Đồng Hới, chúng tôi gặp anh Lê Ngọc Dưỡng, nhân viên tín dụng Ngân hàng Sacombank đi làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản cho khách hàng. Anh Dưỡng cho biết, so với trước kia thời gian làm thủ tục rất nhanh, gọn. Sáng anh đến nộp hồ sơ, chiều đã có kết quả.

Còn anh Trần Bình Quang, Ban quản lý dự án của tỉnh Quảng Bình cho biết, bộ phận tiếp nhận hồ sơ đã hướng dẫn anh bổ sung hồ sơ. Khi có hồ sơ đầy đủ thì việc nhận kết quả rất nhanh. Khi được hỏi, tại sao không làm hồ sơ trực tuyến thì anh cho biết, do chưa tìm hiểu cách làm này.

Không riêng gì anh Quang, một số người dân khác khi chúng tôi hỏi, tại sao TTHC mà họ đi làm có thể làm trực tuyến mà vẫn chọn cách phải đến phòng “Một cửa liên thông” thì đều cho biết chưa quen cách làm này hoặc cầm cái giấy hẹn của cơ quan hành chính mới yên tâm.

Việc làm TTHC trực tuyến đem lại nhiều tiện ích như: không mất thời gian đi lại; nhận thông tin nhanh; tiết giảm chi phí… Thế nhưng, việc này lại phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm dân cư, địa bàn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nói về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Oai, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dịch vụ hành chính công trực tuyến được tỉnh triển khai từ năm 2005 đến nay.

Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ này của tỉnh chỉ đang ở mức độ 1, 2 với 100% TTHC được công khai trên mạng internet. Để nâng dịch vụ hành chính công lên mức độ cao hơn đòi hỏi hạ tầng nên hiện ở Quảng Bình, mức độ 3, 4 đang ở mức thấp. Hiện nay, thành phố Đồng Hới đang được chọn để triển khai “một cửa điện tử”.

Một trong những khó khăn khi triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử là phải có hạ tầng và “công dân điện tử”. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại tỉnh Quảng Bình thì vẫn còn tình trạng người dân chưa thích ứng với việc sử dụng công nghệ.

Con số về số lượng hồ sơ giải quyết và trả kết quả từ đầu năm đến 31-5-2017 của bộ phận “Một cửa” Sở Giao thông vận tải Quảng Bình là một ví dụ. Cụ thể: giải quyết và trả kết quả 6.536 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp thông qua 2 dịch vụ công mức độ 3, trong đó có 17 hồ sơ trực tuyến, 2.811 hồ sơ trực tiếp, 5.602 hồ sơ thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích; 917 hồ sơ thông qua 35 dịch vụ công mức độ 4, trong đó có 346 hồ sơ trực tuyến, 571 hồ sơ giải quyết trực tiếp và thông qua bưu chính.

Làm thế nào để người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến? Ghi nhận của chúng tôi tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh cho thấy, cần sự quyết tâm cao của cơ quan hành chính. Đơn cử trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, hiện 100% tờ khai hộ chiếu đã được làm trực tuyến.

Theo ông Tô Xuân Thao, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, trong khoảng 2 tuần đầu áp dụng thì có tình trạng người dân chưa quen nên lúng túng. Tuy nhiên, sau đó mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ, thuận lợi. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu, trú tại thành phố Hạ Long tại cửa làm thủ tục xuất nhập cảnh. Chị cho biết, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân và khai hồ sơ trực tuyến tại đây rồi nhận giấy hẹn.

Đại úy Bùi Thị Xuân, cán bộ tiếp nhận trước khi trao giấy hẹn đã hỏi chị cách nhận kết quả là trực tiếp hay qua bưu điện. Nếu lựa chọn cách thứ hai thì sẽ có dịch vụ mang kết quả đến tận nhà.

Được biết, trong thời gian qua, đi đôi với việc giảm mạnh, bãi bỏ những TTHC phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đặc biệt là “một cửa điện tử” đã và đang được nhiều địa phương, ban, ngành thực hiện. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng chính phủ điện tử thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là cần thiết. Qua đó, tạo hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin thông suốt từ trung ương đến địa phương thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin “một cửa” của các bộ, ngành, địa phương.

Việc để người dân tiếp cận, làm quen với việc làm TTHC trực tuyến và ghi nhận tiện ích của cách làm này sẽ nâng cao hiệu quả của công tác cải cách TTHC mà chúng ta đang làm hiện nay.

Cao Hồng
.
.
.