Cách mạng tháng Mười Nga và sức sống của CNXH trong thời đại ngày nay

Thứ Năm, 26/10/2017, 18:28
“100 năm Cách mạng Tháng mười Nga (1917-2017) và Chủ nghĩa xã hội Hiện thực giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại” là chủ đề Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia diễn ra sáng 26-10, tại Hà Nội.

Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí Thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ... cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đông đảo các nhà khoa học trong cả nước.

Hội thảo nhằm mục đích khẳng định những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng những tác động của nó đến tiến trình vận động, phát triển của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế trong một thế kỷ qua; ý nghĩa của cách mạng Tháng Mười đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Diễn văn khai mạc Hội thảo do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Báo cáo Đề dẫn Hội thảo do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí Thư Trung ương Đảng, Giám Đốc Học viện Chính trị quốc Gia Hồ Chí Minh, trình bày một lần nữa khẳng định giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Cách đây 100 năm, ngày 7-11-1917, đã nổ ra cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra CNXH hiện thực. Một thế kỷ quá độ đi lên CNXH đã diễn ra rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu to lớn đạt được ở mỗi nước và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng chính từ thực tiễn thăng trầm đó, mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH hiện thực đã rút ra bài học kinh nghiệm quý báu cho mình.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Với Cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga và lịch sử thăng trầm của CNXH hiện tực trên thế giới luôn có ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc đặc biệt. Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là một lần bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Liên Xô và đối với lãnh tụ V.I. Lê Nin vĩ đại, mà còn là dịp để nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị, sức sống của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và thực tiễn vận dụng chủ nghĩa Mác- Lenin, trong quá trình xây dựng CNXH; những bài học lịch sử; về mục tiêu, con đường XHCN và tiền đồ của CNXH ở Việt Nam.

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười thành công đã thổi một luồng ánh sáng mới của thời đại - ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, truyền tỏa đến Việt Nam đúng vào lúc phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có chuyển biến sâu sắc, giai cấp công nhân có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và bước lên vũ đài chính trị; góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, khởi đầu quá trình ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tiễn hoạt động của chính quyền Xô viết đã để lại nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn rất sâu sắc cho Đảng và nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Vũ Khoan phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp những giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê nin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và vững bước trên con đường XHCN.

Dù tiếp cận từ những góc độ khác nhau, nhưng 55 tham luận sôi nổi và đầy cảm hứng về 100 năm của một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong các cuộc cách mạng của lịch sử nhân loại đều khẳng định giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917); về một thực thể xã hội cao đẹp đã sinh ra sau cuộc Cách mạng ấy, đó là CNXH hiện thực với những thăng trầm suốt một thế kỷ qua (1917-2017. Các tham luận đều thống nhất cao trong đánh giá những giá trị to lớn, mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Mười.

Cách mạng Tháng Mười không chỉ mở ra con đường giải phóng nước Nga, mà còn cho cả các dân tộc và loài người; mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử hiện đại, đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.

Cách mạng Tháng Mười còn để lại những bài học vô giá cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, về vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản chân chính; về tập hợp đông đảo công nhân, nông dân và nhân dân lao động trong cách mạng; về sự hy sinh cao cả trong giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng; về kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế trong sáng...

Các tham luận, đến từ nhiều đơn vị, tổ chức, làm công tác nghiên cứu - giảng dạy hay chỉ đạo thực tiễn, đều có những phân tích khoa học và khách quan, với những mức độ khác nhau, về vị trí to lớn không thể phủ nhận được của CNXH hiện thực đối với sự phát triển của thế giới 100 năm qua. CNXH hiện thực, với sức mạnh của chế độ mới ưu việt, từ một nước Nga, đến Liên Xô, rồi đến hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã góp phần to lớn vào phát triển mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…) của nhân loại; là lực lượng trụ cột giữ cân bằng về mặt quân sự, đảm bảo ổn định và hòa bình thế giới; đồng thời là nguồn cổ vũ, giúp đỡ cả vật chất, tinh thần cho phong trào giải phóng dân tộc thế giới...

Các tham luận, các ý kiến có thể không hẳn thống nhất, về các nguyên nhân làm CNXH ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, làm chủ nghĩa xã hội hiện thực khủng hoảng, trì trệ sau hơn 70 năm vận động và phát triển. Song các tham luận, các bài viết gửi tới đều cho rằng, sự sụp đổ ấy không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin với bản chất khoa học và cách mạng, mà do việc "vật chất hóa", "hiện thực hóa" chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc sống không thành công ở những mô hình cụ thể. Chứng minh hùng hồn cho điều này là các nước XHCN còn lại hiện nay, trong cải cách, đổi mới, đã phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tạo ra những mô hình CNXH hiện thực phù hợp, nên vẫn đứng vững và đi lên.

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa hết sức to lớn. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và CNXH hiện thực, nước ta tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo những bài học của Cách mạng Tháng Mười, tiếp tục rút kinh nghiệm sâu sắc từ những thành tựu và thất bại của CNXH hiện thực vào môi trường và cương vị công tác cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, như tinh thần chung mà Đại hội XII nêu ra là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Thời gian còn tiếp tục trôi đi, nhưng theo quy luật, thì những chân giá trị sẽ còn mãi. Cách mạng Tháng Mười sẽ còn mãi trong trái tim nhân loại. Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu, là khát vọng cháy bỏng của hiện tại và tương lai nhân loại.

Xuân Mai
.
.
.