Các nước ASEAN và Đông Á lo ngại việc quân sự hóa ở Biển Đông

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:55
Mặc dù trong một vài tháng nay, tình hình ở Biển Đông đã lắng xuống nhưng tranh chấp giữa các quốc gia về chủ quyền ở khu vực biển này vẫn luôn là một đề tài nóng trong các Hội nghị đa phương và quốc tế.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 24-5, tại Philippines, Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) bàn về hợp tác an ninh trong khu vực và chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ARF lần thứ 24  vào tháng 8 tới đã diễn ra với sự tham gia đông đủ của đại diện các nước trong khu vực. Ngoài vấn đề nóng là các cuộc thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên gây xôn xao dư luận, các quan chức cấp cao ARF cũng đã nói nhiều đến vấn đề Biển Đông, thực trạng tranh chấp trên biển và hành động của các quốc gia trong khu vực.

Cũng như các Hội nghị quan chức cao cấp khác của ASEAN, ASEAN+3 và ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EAS giữa ASEAN với 8 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ..., đại diện các nước đều bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá trên Biển Đông.

Toàn cảnh đảo đá Subi thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc tôn tạo một cách trái phép. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh này, các quốc gia này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đồng thời, các nước cũng hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các tiến bộ mới trong trao đổi giữa hai bên về văn bản khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), mở đường cho xây dựng COC thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc về pháp lý...

Theo các phương tiện truyền thông, thời gian gần đây, tình hình ở Biển Đông đã có nhiều biến chuyển tích cực. Tờ The Diplomat bình luận rằng, sự "yên tĩnh tạm thời" ở Biển Đông có thể xuất phát từ thái độ của cả Mỹ, Philippines và Trung Quốc. Những lời tuyên bố mang tính chỉ trích và châm chọc giữa các bên đã dần dần được thay thế bằng những lời nói mang tính nhượng bộ và nhẹ nhàng hơn.

Chẳng hạn như tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cam kết rằng, Bắc Kinh "sẽ phối hợp với Philippines để giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tham vấn hữu nghị" và rằng Trung Quốc muốn "làm sâu sắc hợp tác ở các lĩnh vực khác để hợp tác song phương có thể phát triển theo thức ổn định và vững mạnh cũng như đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực".

Còn Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm 22-5 thì khẳng định, cuộc hội đàm tuần trước giữa Tổng thống nước này Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh đã mang tính thẳng thắn, hữu nghị và không có bất cứ lời đe dọa nào.

Thậm chí, cả hai còn đạt bước tiến mới khi ra tuyên bố chung sau cuộc họp về cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông kéo dài 1 ngày diễn ra tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam, Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán về Biển Đông

Tham dự hội nghị, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu, đã tích cực đóng góp ý kiến cho nhiều nghị sự quan trọng của cuộc họp.

Phát biểu về tình hình quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về Biển Đông, đề cao tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá trên Biển Đông, Thứ trưởng khẳng định các nước cần đẩy mạnh hơn nữa tự kiềm chế, xây dựng lòng tin và các hoạt động ngăn ngừa sự cố trên biển.

Sông Thương
.
.
.