Ca sĩ Khánh Ly lại... nhúng chàm

Chủ Nhật, 22/01/2006, 09:18

Ngày 10/1/2006, tại bang California, Mỹ, ca sĩ Khánh Ly (KL) đã có cuộc trò chuyện trực tuyến trên mạng Internet do một tờ báo nổi tiếng chống Cộng, tổ chức. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong cuộc trò chuyện này, KL không tuôn ra những lời nói ngược lại hoàn toàn với những gì mà KL đã bày tỏ trong 2 lần về thăm quê nhà...

Tên thật là Nguyễn Lệ Mai, sinh ngày 6/3/1945 tại Hà Nội, đi hát lần đầu tiên năm 1957 và đoạt giải nhì trong một chương trình có tên “Tuyển lựa thiếu nhi tài sắc”, tổ chức tại Sài Gòn. Sau đó, năm 1962, Khánh Ly chính thức xuất hiện trên sân khấu của các phòng trà như Đồng Khánh, Đại Nam, Hòa Bình... với tư cách ca sĩ.

Cuối năm ấy, KL lên Đà Lạt, hát cho Night Club. Năm 1967, KL trở về Sài Gòn và nổi tiếng với những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bài đầu tiên là “Tuổi đá buồn”. Sau ngày 30/4/1975, KL vượt biên, ở đảo Wake hơn một tháng trước khi được cho đi định cư tại Mỹ. Những ngày đầu trên đất Mỹ, KL sống rất cơ cực, thậm chí có lúc phải đi quét dọn nhà vệ sinh để kiếm sống.

Thập niên 80, khi đời sống của phần lớn cộng đồng người Việt trên đất Mỹ đã tạm ổn định, thì nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ bắt đầu phát triển với sự xuất hiện của những trung tâm băng đĩa, những bầu show. Thời điểm này, KL quay lại sự nghiệp ca hát và tích cực tham gia những show hát chống Cộng, kích động lòng hận thù dân tộc, hung hăng kêu gọi ngày “giải phóng” đất nước, ca ngợi cái thây ma Quân lực Việt Nam cộng hòa. Bên cạnh đó, KL còn giữ vai trò xung kích trên mặt trận văn nghệ của nhóm phản động Hoàng Cơ Minh (sau này, trên đường xâm nhập Việt Nam, Hoàng Cơ Minh đã bị Bộ đội Biên phòng Lào bắn chết).

Tuy nhiên, cuối năm 1996, khi KL cùng chồng là Nguyễn Hoàng Đoan (một nhà báo thời chế độ cũ, cũng nổi tiếng không kém KL trong lĩnh vực chống Cộng ở hải ngoại), làm đơn xin phép về Việt Nam thăm gia đình, và đã được Nhà nước chấp thuận. Ngày 8/1/1997, KL nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rồi trong suốt thời gian ở Việt Nam, KL lúc đi thăm chị ruột ở cư xá Kiến Thiết, thăm nhà cũ ở số 12 - 14 Đồng Khởi, lúc đến gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc ra Hà Nội thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn ở số 106, phố Hàng Bông, lúc vào nghe ca nhạc tại hội quán “Những người bạn”. Thời điểm này, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với KL, và được KL cho biết: “Ở bển (ý nói nước Mỹ), người ta tuyên truyền dữ lắm. Nào là nghệ sĩ như tụi tôi về đây, sẽ bị theo dõi 24/24 giờ, bị làm khó dễ, thậm chí có thể... bị bắt” (?!).

Trong buổi tiếp xúc, suốt gần 2 giờ đồng hồ, KL đã thanh minh về những gì mình làm trên đất Mỹ. KL nói: “Tôi rất hối hận, tôi mong muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường”. Trả lời về việc tham gia những đại nhạc hội do nhóm phản động Hoàng Cơ Minh tổ chức, KL cho biết: “Tôi tham gia vì ham vui, vì... có tiền chứ chẳng bao giờ tin vào Hoàng Cơ Minh. Sau khi thấy rõ những chuyện bịp bợm, tôi từ từ rút lui bằng cách mỗi khi “chúng nó” (nguyên văn chữ dùng của KL) mời tôi hát, tôi lại nói bận hát ở chỗ này, chỗ kia rồi”. Nhận định về nhóm Hoàng Cơ Minh, KL thẳng thừng: “Chúng nó điên hết chứ có tỉnh táo gì đâu. Thật ra, tôi chẳng sợ chúng nó, chúng nó chỉ chuyên nghề chụp mũ, đe dọa là tài...”.

Trở về Mỹ, KL tiếp tục nghề ca hát. Nhưng, đầu năm 2000, người ta lại thấy KL xuất hiện trong một cuốn băng video mang tên “Việt Nam - Cuộc đổi đời bi thảm 1954-2000”. Trong cuốn băng này, những bài hát mà KL trình bày, đều mang nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, sau này KL giải thích là do Việt Dũng tự ý lấy băng KL đã làm kỷ niệm 10 năm xa xứ đưa vào, mà nội dung trong đó là không tốt với đất nước, KL đã thấy sai lầm.

Ngày 4/5/2000, KL nhập cảnh Việt Nam lần thứ hai, vẫn với lý do thăm gia đình. Gặp gỡ chúng tôi, KL ra sức bào chữa rằng, dưới sức ép của đám phản động, KL buộc lòng phải hát vì “không hát thì coi như không xác định lập trường... chống Cộng”. Một lần nữa, KL lại “hối hận”, lại “xin tha thứ”, lại “mong trong nước hiểu cho hoàn cảnh của tôi...”. Hỏi về cảm tưởng của KL qua những ngày về thăm quê, KL đáp: “Vui lắm, thoải mái lắm. Chỉ riêng lĩnh vực ca nhạc thôi, ở Mỹ làm sao mà tổ chức được một live show. Hầu hết đều hát trong phòng trà, nhà hàng ăn, trong... sòng bạc, còn ở Việt Nam, tôi thấy ca sĩ làm live show rất tự do. Hôm đi ăn với mấy người bạn tại nhà hàng Bạch Dương trên đường Lê Quý Đôn, nhiều người nhận ra tôi, yêu cầu tôi hát, và tôi đã hát liền một lúc 3 bài...”.

Những tưởng sau lần ấy, KL sẽ nhận ra đâu là chân lý, đâu là trắng và đâu là đen... Nhưng không, trở về Mỹ, năm 2002, KL tham gia vào cái gọi là “Vận động gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Nam cộng hòa”. Trong buổi ra mắt cuộc vận động, KL đã phát biểu: “Tôi chắc là oan hồn của những chiến sĩ Việt - Mỹ muốn theo chúng ta qua bên này, xứ sở của tự do không Cộng sản. Tôi mong muốn mọi người cùng đóng góp xây dựng để chúng ta có nơi thắp hương, và treo lá cờ vàng ba sọc đỏ...”. Đến năm 2003, KL tham gia một nhạc hội phản động, cũng với những bài hát phản động. Ngày 13/1/2004, KL kêu gọi thành lập “Hội Ái hữu ca nhạc”, kêu gọi tẩy chay những nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn. Ngày 20/2/2004, tại khách sạn Capital Hilton, Washington D.C, trong một đại nhạc hội mang tên “Xin đừng quên tôi”, với vai trò người dẫn chương trình, KL đã yêu cầu ca sĩ Bằng Kiều thực hiện hành động phản bội Tổ quốc, để được “cộng đồng người Việt chấp nhận cho ở lại Mỹ”.

Khánh Ly nói gì trong buổi trò chuyện trực tuyến?

Trong buổi trò chuyện trực tuyến vào ngày 10/1/2006, KL nói rất nhiều nhưng chúng tôi chỉ đưa ra vài ví dụ cụ thể. KL bịa đặt: “Việt Nam trả tôi 2 triệu USD tiền cátsê để mời tôi về hát. Nhưng chắc không có chuyện đó đối với tôi”.

Sự thật của "2 triệu USD" này là, khi KL về nước năm 2000, và trong đêm xé rào, hát 3 bài tại nhà hàng Bạch Dương, một bầu show văn nghệ trong nước đã hỏi KL như câu chuyện làm quà: “Mai mốt mời chị về hát, chị có OK không?”. KL nửa đùa nửa thật - mà thật nhiều hơn đùa: “Mời tôi về, cátsê bao nhiêu?”. Bầu show đáp: “Mỗi bài 2 triệu”.

Hai triệu đồng Việt Nam một bài hát, năm 2000 không phải số tiền cátsê lớn nhưng KL đã thổi lên thành 2 triệu USD, thời điểm đó tương đương 26 tỉ - con số mà ngay cả siêu sao nhạc rock Michael Jackson có nằm mơ cũng không thấy được. Điều này nói lên cái máu mê tiền của KL, tất cả chỉ là tiền.

Nghệ sĩ Duy Thanh, một thời được vợ chồng KL coi như em ruột, đã không chịu nổi, nói: “Ông Đoan (chồng KL) xác nhận Việt Nam mời KL về hát với giá 2 triệu USD mà không cần xin giấy phép. Dĩ nhiên sau đó, ông bà sẽ được Hội Điện ảnh Hollywood mời ông bà về Mỹ, nhận 2 giải Oscar nam nữ diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim dài nhiều tập “Những đứa trẻ giàu óc tưởng tượng”.

Cũng cần nhắc thêm rằng ở Mỹ, giới văn nghệ đã đặt cho KL 2 biệt danh là “ca sĩ xù show” và “nữ hoàng nâng giá”. Sở dĩ có chuyện này là vì rất nhiều nhạc hội, mặc dù đã nhận lời nhưng đến phút chót, KL đòi tăng tiền cátsê, không tăng không hát. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khi môi giới cho KL đi hát tại Philippines với giá 3.000 USD nhưng vài ngày trước khi lên đường, KL đòi thêm 2.000 USD nữa khiến Trầm Tử Thiêng phải móc tiền túi ra bù để giữ uy tín. Chả thế mà trước khi chết, trong di chúc, Trầm Tử Thiêng dặn gia đình cấm cửa KL, không cho phép đến viếng. Trong show “Đêm dạ vũ mùa đông”, tổ chức vào ngày 20/12/2002, KL cũng đòi tăng thêm 2.000 USD mới chịu hát. Bầu show của chương trình này là bà Nga, đã cay đắng: “Khi nghe tôi nói có mời KL, nhiều người khuyên tôi nên cẩn thận. Tôi nghĩ không đến nỗi vì tôi đồng ý với giá tiền mà KL đưa ra, lại thêm Duy Thanh cam kết, bảo đảm nữa. Ai dè...”. Trong một show khác tổ chức ở thành phố Phoenix, ca sĩ Lệ Thu và KL cùng được mời, nhưng KL cho rằng show này do Lệ Thu đứng sau lưng, tổ chức, và Lệ Thu sẽ kiếm lời nhiều nên KL... xù, lấy lý do phải sang Nhật. Lệ Thu nói: “Theo tôi biết thì cô ta không có đi đâu hết, mà do tức nên cô ta xù show”. Bầu NamAtlantic City cũng là nạn nhân của KL: “Năm 2003, tôi và anh Hưng tổ chức một đêm ca nhạc, có mời KL và KL đã đồng ý cátsê là 3.000 USD. Nhưng, trước ngày diễn ra đêm nhạc, KL điện thoại, yêu cầu phải thêm 2.000 USD nữa thì mới hát. Mặc dù trên quảng cáo có in hình ca sĩ hết rồi, nhưng lật lọng kiểu đó tôi không chơi. Tôi cáo lỗi với khán giả là máy bay hủy chuyến, KL không đến được”.

Nhân cách của KL là thế, nên người ta không hề ngạc nhiên lúc nghe KL trả lời một câu hỏi trong buổi trò chuyện trực tuyến rằng, KL nghĩ thế nào về các ca sĩ trẻ hôm nay: “Bất cứ ca sĩ nào cũng có quyền hát những nhạc phẩm họ yêu thích theo kiểu của họ. Không nên bắt người khác phải làm theo ý mình hoặc phải nghĩ như mình. Chỉ có Cộng sản mới như thế thôi”. Năm 2000, khi tiếp xúc với chúng tôi, cũng chính KL nhận định: “Ở bển nghe tuyên truyền dữ lắm, nhưng về đây mới biết họ chỉ tuyên truyền bịp bợm. Trong mấy ngày vừa qua, tôi đi nhiều nơi, và thấy không khí ca nhạc rất sôi nổi. Ngay cả những quán ăn cũng có “hát với nhau”, ai thích hát thì cứ lên hát”. Điều chắc chắn là trong buổi giao lưu trực tuyến này, KL không phải chịu sức ép của một ai để... bày tỏ lập trường chống Cộng như KL đã từng thanh minh trước đây, cũng như không thể nói vì... ham vui, hay vì thiếu nhận thức. Một lần nữa, KL lại... nhúng chàm. Qua buổi trò chuyện trực tuyến này, KL đã tự tay mình, đóng chặt cánh cửa về với mái nhà quê hương, dân tộc...

P.V
.
.
.