Cá nhân nên đăng ký việc quyên góp cứu trợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật

Thứ Tư, 21/10/2020, 13:45
Đều hoan nghênh và đánh giá cao việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, song từ góc độ pháp luật, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ nhiều băn khoăn…

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, ông đánh  giá cao ca sỹ Thuỷ Tiên và những cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, việc quyên góp, vận động ủng hộ để cứu trợ với số tiền lớn thì nên thông qua các tổ chức để điều tiết. Cụ thể, có 2 tổ chức quan trọng là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

“Tôi cho rằng, để điều tiết việc cứu trợ, rất cần một trung tâm điều hành để tránh tình trạng tiền cứu trợ nơi có nơi không, người nhận được nhiều người nhận được ít” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Từ góc nhìn đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các cá nhân kêu gọi và trực tiếp đi cứu trợ đồng bào là tốt, là cần hoan nghênh. Nhưng nếu thông qua một tổ chức có năng lực để cùng với cá nhân người kêu gọi được tổ chức cứu trợ đến bà con sẽ hiệu quả hơn, đảm bảo tiền cứu trợ đến được với người nhận nhanh nhất, chính xác và an toàn nhất.

“Rất nhiều đơn vị, cá nhân tự đứng ra làm thiện nguyện, kêu gọi cứu trợ nhưng với số tiền nhỏ thì có thể chuyển thẳng, tự đi làm dễ dàng hơn. 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Song khi số tiền lớn thì nên có tổ chức, những cá nhân, đơn vị kêu gọi được đều được ghi nhận và đánh giá đầy đủ. Điều quan trọng là tiền cứu trợ phải đến được đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm” – ông Bùi Sỹ Lợi nói thêm.

Cũng trả lời về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phân tích, nhìn từ góc độ pháp luật thì việc huy động, tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội để làm công tác cứu trợ phải có tư cách chủ thể.

Hiện nay, văn bản quy định vấn đề này là Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về “việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Phân tích cụ thể vào trường hợp ca sĩ Thủy Tiên đi miền Trung cứu trợ và kêu gọi quyên góp được hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, hành động này rất đáng hoan ngênh. 

Đại biểu Lê Thanh Vân

“Khi mà nguồn lực của nhà nước có hạn, chi bằng khuyến khích mỗi người dân với tấm lòng tương thân tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách cùng chung tay, lan tỏa” –  đại biểu nói. Song, nhìn từ góc độ pháp luật, việc quyên góp cứu trợ như vậy cần phải được chế định bằng luật pháp để đảm bảo tường minh, ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trục lợi hoặc thiếu minh bạch.

“Tôi có theo dõi trên mạng và thấy có một số người khuyên Thủy Tiên nên lưu giữ lại những bằng chứng khi đi cứu trợ, sử dụng tiền quyên góp cứu trợ để sau này có căn cứ giải trình nếu có ai hỏi về tính minh bạch” – ông Lê Thanh Vân dẫn chứng.

Vậy nếu chế định việc làm từ thiện của các tổ chức, cá nhân, cụ thể như câu chuyện cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hiện nay thì cần quy định như thế nào để đảm bảo minh bạch, để nguồn tiền cứu trợ đến đúng đối tượng, nhanh nhất? Đại biểu Lê Thanh Vân phân tích, chủ thể có quyền huy động không nhất thiết phải là các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mà các thể nhân (tức cá nhân) cũng có quyền huy động. Những cá nhân này chỉ cần đăng ký về việc quyên góp để làm cứu trợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhà tài trợ và người ủng hộ chứ không nhất thiết phải qua các trình tự thủ tục như xin cấp phép.

Thu Thuỷ
.
.
.