Kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN của Thủ tướng

Thứ Ba, 01/05/2018, 08:09
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 25 đến 28-4. Theo Thứ trưởng, chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, trên nhiều phương diện.


Thủ tướng Lý Hiển Long và các lãnh đạo Singapore dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và thân tình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức như: Chào Tổng thống, hội đàm với Thủ tướng Singapore; chứng kiến lễ ký các văn kiện và dự Diễn đàn Doanh nghiệp, đối thoại với các chủ tịch/tổng giám đốc các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Singapore; tọa đàm với các trí thức Singapore  và Việt Nam về ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng chính phủ kiến tạo, thăm các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế 2018 về khách sạn và ẩm thực, thăm các cơ sở kinh tế-giáo dục lớn như cảng biển, logistic, Trường Đại học Quản lý Singapore và trao đổi với sinh viên Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Singapore.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các công ty đa quốc gia (TNCS) có trụ sở tại Singapore.  Ảnh: TTXVN.

Một số kết quả nổi bật của chuyến thăm như sau:

Thứ nhất, qua chuyến thăm, mức độ tin cậy cao trong quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược càng được củng cố và tăng cường. Sự tin cậy, gắn bó và chia sẻ tầm nhìn chung về mục tiêu phát triển, các vấn đề an ninh chiến lược là cơ sở quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng, nhất là an ninh mạng; xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực. Hai bên chia sẻ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc.

Thứ hai, chuyến thăm đã tạo khuôn khổ liên kết mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và Singapore đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mức độ hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực cũng như quốc tế nhất là đã cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định CPTPP và đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định/thỏa thuận hợp tác khu vực khác như RCEP, các FTAs. Các cam kết của Singapore về ưu tiên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, giải pháp đô thị, nông nghiệp, khuyến khích các dự án chung giữa doanh nghiệp hai nước để tận dụng công nghệ tiên tiến và lợi thế chuyên môn về thương mại nông sản của Singapore sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân.

Hai Thủ tướng cũng đạt nhất trí cao trong tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo (tiếng Anh và dạy nghề), tài chính, dịch vụ dầu khí, khoa học-công nghệ…

Thứ ba, là sự tái khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ về chính sách đối với cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đặc biệt là sự trân trọng, khuyến khích các trí thức, chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài đóng góp xây dựng chính sách phát triển đất nước và các biện pháp hỗ trợ du học sinh trở về khởi nghiệp.

Thủ tướng đã có cuộc tọa đàm với gần 30 trí thức lớn tại Singapore, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ gốc Việt để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Chính phủ kiến tạo trong thời đại công nghiệp mới.

Thứ tư, thông qua việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và logistics, hai bên đã nhất trí các định hướng hợp tác lớn về xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội, thách thức đặt ra với Chính phủ cũng như với doanh nghiệp.

Singapore cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nhằm tận dụng được công nghệ mới. Việc nâng cao năng lực cần chú trọng cả năng lực cứng là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (áp dụng số hóa, trí tuệ nhân tạo, máy móc tự động) và năng lực mềm là năng lực quản trị, điều hành, song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo (như nghiên cứu mở trường đào tạo logistics của Singapore tại Việt Nam).


PV (tổng hợp)
.
.
.