Bộ trưởng Tô Lâm: Không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ Nhôm
“Chúng tôi đã có những giải pháp không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ Nhôm. Bộ Công an đã rà soát và chấn chỉnh” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều nay, 13-8.
- Bị cáo Vũ "nhôm" bị phạt 9 năm tù vì cố ý làm lộ bí mật nhà nước
- Vũ "nhôm" và 23 đồng phạm bị đề nghị truy tố về những tội danh gì?
- Điều tra bổ sung vụ "sếp" ngân hàng cho Vũ “nhôm” vay 200 tỷ đồng
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn |
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Tô Lâm, tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nêu vấn đề: Thời gian gần đây tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật diễn biến phức tạp ở một số địa phương, thành phố lớn; các đối tượng hoạt động manh động, táo tợn, dã man. Gần đây nhất là vụ 2 hiệp sỹ đường phố bị đâm tử vong khi truy bắt tội phạm.
“Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân? Mô hình hiệp sỹ đường phố truy bắt tội phạm có nên khuyến khích và nhân rộng không?” – đại biểu chất vấn.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, nhân dân và cử tri rất bức xúc về việc nhiều vụ phạm tội có tổ chức liên quan hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan tướng lĩnh Bộ Công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ Nhôm là điển hình. Đại biểu đặt câu hỏi, sau vụ Vũ Nhôm, Bộ Công an sẽ rà soát, kiểm tra và có giải pháp nào để tránh tình trạng như thế này trong thời gian tới?
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ đề cập: Hành vi nhận tài sản của người khác (từ 4 triệu trở lên) thông qua hợp đồng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì bị coi là đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù.
“Hiện nay tình trạng chiếm đoạt quỹ bảo trì các toà nhà chung cư của các chủ đầu tư xây dựng, trong đó có doanh nghiệp chủ đầu tư xây dựng trong ngành Công an. Xin hỏi Bộ trưởng khi nào mới tiến hành khởi tố điều tra loại tội phạm này? Doanh nghiệp của Bộ Công an quản lý có nằm ngoài phạm vi khởi tố hay không?” – ông Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo thống kê tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, số lượng vụ án xảy ra chiếm 25% các vụ trong toàn quốc. Qua theo dõi, số vụ phạm pháp ở TP.HCM hàng năm đứng đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2018, tại TP.HCM xảy ra 2.005 vụ phạm pháp hình sự, giảm 11% so với cùng kỳ 2017.
Các vụ án xâm phạm tài sản này cũng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm: Cướp 70 vụ, cưỡng đoạt tài sản 14 vụ, trộm cắp tài sản hơn 1000 vụ (chiếm 65%), cướp giật hơn 300 vụ (chiếm 25%).
Toàn cảnh phiên họp |
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an toàn quốc và TP.HCM nói riêng đấu tranh với các loại tội phạm này. Tỷ lệ điều tra khám phá ở TP.HCM được nâng cao, việc phòng chống đạt kết quả tốt.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thời gian tới sẽ tham mưu cấp uỷ chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh; tích cực tuyên truyền trong nhân dân cảnh giác, bảo vệ tài sản; làm tốt công tác quản lý đối tượng; tăng cường tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn; xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá…
Ngoài ra, Bộ Công an cũng tăng cường các áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa tội phạm như lắp đặt camera ở các thành phố lớn…
Về vụ Vũ Nhôm, có liên quan đến 5 vụ án, Bộ Công an đã khởi tố điều tra và đưa ra xét xử vụ thứ nhất. Hai vị tướng Công an liên quan, trong đó có người từng là lãnh đạo Bộ cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ và xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để vi phạm pháp luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cho rằng đây là bài học đắt giá đối với Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định chắc chắn sẽ không còn để tình trạng các đối tượng, tổ chức lợi dụng hoạt động tội phạm. “Chúng tôi đã có những giải pháp không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ Nhôm. Bộ Công an đã rà soát và chấn chỉnh” – Bộ trưởng nói.
Còn ý kiến của đại biểu Mai Bộ về chiếm đoạt tài sản thông qua quỹ bảo trì nhà chung cư, Bộ trưởng cho biết Bộ Công an xác định đây là tội phạm thuộc phạm vi của Cơ quan CSĐT.
“Chúng tôi đã điều tra theo đơn tố giác tội phạm và một số cư dân chung cư. Chắc chắn loại tội phạm này sẽ bị xử lý. Đối với các doanh nghiệp trong ngành Công an cũng sẽ xem xét, xử lý như các doanh nghiệp khác”. – Bộ trưởng khẳng định, không có gì là không xem xét.
“Nếu đại biểu nào phát hiện ra những doanh nghiệp vi phạm thì thông tin, chúng tôi sẽ xử lý triệt để, không có vùng cấm”, người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh thêm.