Vấn đề in ấn, xuất bản SGK phải minh bạch, tránh độc quyền, lợi ích nhóm
- Phá thế độc quyền, tạo cạnh tranh lành mạnh về sách giáo khoa
- Chưa thay sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2019-2020
- (Chuyện khó tin) NXB Giáo dục Việt Nam lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm vì sách giáo khoa!?
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1-10, phóng viên cũng đặt vấn đề về tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK) nhiều năm nay, gây ra nhiều hệ luỵ, việc viết thêm vào SGK gây lãng phí tài sản Nhà nước, trong khi Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nói mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào?
Toàn cảnh phiên họp |
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thực hiện theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT thay SGK và biên soạn 1 bộ tài liệu mới. Bộ đã thành lập tổ biên soạn và thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách. Sau đó mới chuyển sang NXB in ấn.
“Quá trình tổ chức in ấn đã đấu thầu in ở tất cả các khu vực. Sau đó đã có 4 khu vực trúng thầu, trực tiếp in ấn và cung cấp sách cho các địa phương. Việc làm này nhằm mục đích giảm kinh phí luân chuyển sách về các địa phương” – Thứ trưởng Độ thông tin.
Theo ông, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra quyết định có thêm 5 NXB có chức năng in ấn. Sắp tới việc độc quyền SGK sẽ được xoá bỏ theo Nghị quyết 88, một chương trình sẽ có nhiều SGK và có 5 NXB tham gia in ấn…
Cho ý kiến thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, quản lý SGK thuộc trách nhiệm Bộ GD&ĐT. Hiện dư luận quan tâm ở chỗ 1 năm phải chi phí khá lớn cho công tác in ấn, phát hành.
Bộ trưởng cho hay, các cơ quan báo chí đặt vấn đề có “lợi ích nhóm” hay không? Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình. Thủ tướng rất quan tâm đến nguyện vọng của người dân và các đại biểu Quốc hội, yêu cầu phải giải đáp ngay những vấn đề mà người dân quan tâm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng |
“Trong chỉ đạo vấn đề in ấn, xuất bản phải minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hoá, tránh độc quyền, lợi ích nhóm. Đồng thời xem xét lại vấn đề biên soạn” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cho biết, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.
Liên quan đến sự việc Bộ GTVT đồng ý đặt thêm BOT ở tuyến đường tránh Cai Lậy, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi, liệu phương án này đã tối ưu hay chưa? Liệu có xảy ra tình trạng tài xế trả tiền lẻ gây ách tắc như vừa qua nữa hay không?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt đã đi kiểm tra một số lần, làm việc với cả Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các bộ, ngành như Bộ Công an, để so sánh, phân tích, đánh giá tác động của trạm thu phí.
“Chúng tôi đã giải thích nhiều lần, huy động BOT là một kênh thu hút vốn đầu tư và việc làm đường tránh Cai Lậy trên cơ sở là Quốc lộ 1 đi qua khu vực đó không hiệu quả, vì vậy phải làm đường tránh và làm cả hệ thống tăng cường thoát nước mặt đường của Quốc lộ 1 cũ. Do đó phải thu phí để hoàn vốn” – ông Đông phân tích.
Theo ông, việc này không trái với quy định của pháp luật, đặc biệt theo Nghị định 108 thì có thể thu hút nguồn vốn để đầu tư, và thu phí để hoàn vốn. “Chúng tôi vẫn đang so sánh hai phương án chính. Một là giữ trạm cũ giảm mức giá, thứ hai là đặt thêm trạm ở tuyến tránh, thu cho phần nào hoàn vốn rồi thì dỡ trạm đó. Sau khi làm việc với Tiền Giang thì họ đề xuất phương án 2 để công bằng hơn”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ |
Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá tác động và làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… để quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với câu hỏi, tình hình cho vay online đang nở rộ dưới nhiều hình thức biến tướng, Chính phủ có giải pháp như thế nào để chấn chỉnh, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Báo chí phản ánh hiện tượng này là hình thức “tín dụng đen”. Ngân hàng nhà nước trong quá trình điều hành, tổ chức hoạt động luôn rà soát, chỉnh sửa bổ sung quy định cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.
Theo bà, với việc phát triển, mở rộng tín dụng tiêu dùng của các công ty như thế này giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính thức, không phải “tín dụng đen”. Ngân hàng Nhà nước cũng mở rộng mạng lưới, cung ứng tín dụng cho dân nghèo, đặc biệt người thu nhập thấp, ở vùng sâu vùng xa; luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng chấn chỉnh cho vay tiêu dùng, sẽ góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
“Hoạt động “tín dụng đen” không thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng nhà nước, nhưng ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, báo cáo Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung về tín dụng, tránh tình trạng “tín dụng đen” tràn lan” – Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho hay.