Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chưa phát hiện người nước ngoài mua đất Việt Nam

Thứ Năm, 28/05/2020, 16:45
Trao đổi với báo chí về thông tin Bộ Quốc phòng phát hiện có người nước ngoài núp bóng thâu tóm những vị trí đất trọng yếu tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, Tổng cục Quản lý đất đai của Bộ TN & MT đã làm việc với Bộ Quốc phòng làm rõ thông tin trên và sẽ có báo cáo cụ thể.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh từ kết quả trinh sát, phát hiện là không sai. Ngay từ năm 2019, ông đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát, kiểm tra trên toàn bộ thành phố có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài. Kết quả kiểm tra cho thấy, không có vi phạm khi giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân – doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, là doanh nghiệp liên doanh hoặc mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.

Quá trình thanh kiểm tra, Bộ cũng phát hiện một số sai phạm như: giao đất cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở, không thể kinh doanh; hoặc khu vực được giao đất chưa được hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng theo quy định…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí.

Sau khi kiểm tra, Bộ TM-MT cùng với TP Đà Nẵng, làm việc với các Bộ: Kế hoạch -  Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động; ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.

Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp, nếu có thiếu sót thì đã được khắc phục. Nhiều trường hợp đã chuyển giao lại cho người Việt Nam.

Những sai phạm này, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn, Bộ cũng đã bàn giao cho các thành phố xử lý. Vi phạm ở đây liên quan đến trình tự thủ tục. Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã hoàn thiện và Bộ TN-MT, Đà Nẵng đều đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trả lời về việc năm 2018, trả lời trước Quốc hội,  ông nói "chưa nghe có người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, đại biểu nào thấy hãy báo cho Bộ" nhưng Bộ Quốc phòng lại báo cáo có tình trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay vẫn bảo lưu ý kiến  chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật Đất đai quy định rất rõ rồi, cấp là sai phạm!. “Ai thấy cứ báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho biết,  có thể có hình thức “núp bóng” bằng việc người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, về mặt pháp luật Việt Nam chỉ cấp quyền cho vợ/chồng là người Việt thôi. Pháp luật chỉ bảo vệ người đứng tên trên giấy chứng nhận, ở đây vẫn là người Việt. Có cả trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam thành lập công ty, 100% vốn Việt Nam. Như vậy, sẽ phải chịu sự chi phối của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm đáng lo ngại, cần thiết phải điều chỉnh một số quy định, đó là khi mối quan hệ với người nước ngoài nhưng lại được điều chỉnh bởi luật về bảo hộ đầu tư hay một số vấn đề khác. Nhiều trường hợp khi tương tác với họ chúng ta không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nếu xảy ra tranh chấp, đưa ra toà án quốc tế, mà chúng ta chưa chuẩn bị kỹ để ứng phó, thì có thể toà quốc tế lại tuyên đất của Việt Nam thành đất của nước khác.

“Những điều này cần thiết phải được nghiên cứu, chúng ta phải có quy định để hạn chế và kiểm soát nguồn vốn, dòng vốn và năng lực thực tế của người mua. Việc này không dễ, nhưng phải làm, phải kiểm soát” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Về việc tới đây Bộ TN & MT sẽ làm gì để chặn hiện tượng “núp bóng”người nước ngoài sở hữu đất đai ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó thực hiện thật tốt quy hoạch, xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.

Các quy định cũng sẽ đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện, hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài nhằm kiểm soát được.

“Ví dụ như một doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì chúng ta có thể an tâm về vấn đề an ninh quốc phòng, nhưng nếu họ cổ phần hóa thì như thế nào? Điều kiện cổ phần hoá, việc tiếp nhận mua cổ phần, chuyển nhượng phải được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi Quốc hội và Chính phủ về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay đang nhận được sự quan tâm cử tri.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng nêu rõ, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới.

"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Cử tri và dư luận xã hội “'đáng ngại” về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở", Bộ Quốc phòng nêu rõ khi trả lời cử tri.

Nhiều người cho rằng, để sở hữu các lô đất người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của luật Đầu tư năm 2014 “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

  P.A


Phương Thuỷ
.
.
.