Bổ sung quy định về nghĩa vụ Công an và nghĩa vụ xây dựng nền an ninh nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ Hai, 16/09/2013, 14:32
Trong lịch sử đất nước ta, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, xây dựng luôn đi đôi với bảo vệ Tổ quốc và là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân, đó là bài học kinh nghiệm có tính quy luật, xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển của dân tộc ta. Kế thừa và phát triển truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn dân, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân, nhiều thanh niên ưu tú đã hăng hái tham gia phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân, tham gia phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

 Thời gian tới, công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước ta có những thuận lợi, thời cơ, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá với mục tiêu không thay đổi là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều này đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, nhất quán từ nhận thức, tình cảm, ý chí đến hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, công dân.

Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần khẳng định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, tôi đề nghị chỉnh sửa Điều 48 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, như sau: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, Công an và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, Công an do luật định”

Vũ Đức Phong
.
.
.